kia]; công luận đó cùng lúc làm thay đổi cách xét đoán và chế ngự ý chí của
những con người ấy.
Tận đáy sâu tâm hồn, người chủ và người đầy tớ không còn nhận ra sự xa
cách sâu sắc nào nữa giữa hai bên, và họ chẳng hi vọng cũng chẳng e sợ sẽ
còn có lúc nào bắt gặp lại những sự ngăn cách như thế nữa. Đôi bên không
khinh nhau cũng chẳng giận nhau, và khi nhìn vào mắt nhau họ chẳng còn
thấy anh nào có vị thế khiêm nhường và anh nào có dáng vẻ kiêu sa.
Người chủ cho rằng nguồn gốc duy nhất quyền lực ông ta là ở trong cái
hợp đồng đã kí kết, và người đầy tớ thấy trong đó cái nguồn gốc duy nhất
của việc anh ta phải phục tùng. Họ không còn tranh chấp nhau nữa về vị trí
tương đối giữa đôi bên; nhưng từng anh đều dễ dàng nhìn thấy vị trí của
mình ở đâu và chịu đứng yên ở đó.
Trong quân đội của chúng ta, người lính gần như có cùng vị trí như các sĩ
quan và anh lính có thể đạt tới những công việc cũng như của các sĩ quan;
khi rời khỏi đội ngũ, họ hoàn toàn tự coi là bình đẳng với các cấp chỉ huy, và
thực sự anh ta đã là như vậy. Thế nhưng khi còn trong quân ngũ, chẳng có
khó khăn nào khiến anh ta không tuân lệnh cấp trên cả, và sự phục tùng
mệnh lệnh của anh vừa nhanh vừa rõ ràng và giản dị, chứng tỏ anh ta tự
nguyện và xác định rõ vị trí của mình.
Điều này giúp ta hiểu rõ những gì đang diễn ra giữa chủ và tớ tại các xã
hội dân chủ.
Sẽ là hoàn toàn điên rồ nếu cho rằng chẳng thể nào có nổi giữa hai con
người đó bất cứ một tình yêu thương nồng nàn và sâu xa nào như đôi khi
từng thấy trong quan hệ chủ tớ những thời quý tộc trị, hoặc chẳng thể nào có
nữa những tấm gương hi sinh rạng rỡ [cho ông chủ].
Trong những nền quý tộc trị, người đầy tớ và người chủ chỉ thỉnh thoảng
mới thấy mặt nhau, và thường khi họ chỉ giao tiếp với nhau thông qua một
nhân vật trung gian. Thế nhưng bình thường hai bên vẫn gắn bó chặt chẽ với
nhau. Tại các quốc gia dân chủ, người chủ và người đầy tớ sống khá gần gụi