Sự lộn xộn lại càng lớn trong một nước dân chủ như nước Pháp chúng ta,
nơi các giai cấp tạo thành xã hội cũ vẫn đang chen chúc nhau mà chẳng làm
cách gì hoà trộn nổi vào với nhau, các giai cấp đó ngày ngày lại du nhập lẫn
cho nhau đủ loại khái niệm lắm khi trái ngược về danh dự; nơi mỗi con
người tuỳ theo sở thích đã từ bỏ một phần quan điểm của cha ông và giữ
chặt lấy phần còn lại; đến độ là có dùng đến vô vàn biện pháp võ đoán rồi
mà chẳng thể nào cùng thiết lập nổi một quy tắc danh dự chung. Hầu như
không thể nào biết trước hành động nào thì được vinh danh hoặc bị kết án.
Đó là những thời điểm khốn khổ, nhưng chúng chẳng kéo dài đâu.
Tại các quốc gia dân chủ, danh dự là cái kém xác định, tất nhiên là cũng
kém mạnh mẽ. Vì thật khó áp dụng chắc chắn và kiên quyết một bộ luật mà
ta không hoàn toàn biết rõ. Công luận, là kẻ diễn giải tự nhiên và có uy tín
của bộ luật danh dự, thì cũng không nhận ra nổi phải khen chê theo hướng
nào, nên cũng chỉ tuyên lời kết luận một cách dè dặt. Đôi khi công luận lại
mâu thuẫn chính mình nữa; nhưng thường thường thì nó bất động và mặc kệ
mọi chuyện muốn ra sao thì ra. Sự yếu kém tương đối của danh dự tại các
nước dân chủ cũng còn do nhiều nguyên nhân khác nữa.
Tại các quốc gia quý tộc trị, cùng một khái niệm về danh dự bao giờ cũng
chỉ được một số người nào đó chấp nhận thôi, nhóm người này thường hẹp
và bao giờ cũng cách biệt với những đồng loại của họ. Vì vậy mà danh dự dễ
dàng hoà trộn vào trong đầu óc những con người ấy, với ý nghĩ là mọi sự
đều khiến họ thành một lớp người chẳng giống ai. Họ cảm thấy cái “danh
dự” ấy cũng hiển hiện như nét mặt họ vậy. Họ áp dụng mọi quy tắc danh dự
ấy với toàn bộ lòng nhiệt thành và lợi ích riêng, và có thể nói rằng họ có
niềm đam mê tuân thủ quy tắc danh dự ấy.
Chân lí này bộc lộ rõ rệt khi ta đọc mục quyết đấu để thanh toán công lí
ghi trong các sách viết về các tập quán thời Trung đại. Trong mục đó có nói
rằng các nhà quý tộc khi quyết đấu thì phải dùng giáo và gươm, còn giữa
những kẻ tiện dân quyết đấu với nhau thì chỉ dùng gậy thôi, và nói thêm
rằng, “do vì kẻ hạ tiện không có danh dự”. Điều này không có nghĩa, như
chúng ta hình dung trong tưởng tượng bây giờ, rằng những kẻ tiện dân đó là