tài sản và con người một cách hoàn toàn và đôi khi đột ngột, là loại học
thuyết vô cùng kém được ưu ái ở Hoa Kì so với ở các nước phong kiến tập
quyền lớn bên châu Âu. Nếu ở Mĩ có vài ba người nào đó đem truyền bá các
học thuyết đó, thì công chúng ghê tởm khước từ chúng một cách thật là bản
năng.
Tôi không ngại gì mà chẳng nói ra rằng những châm ngôn thường được
coi là “dân chủ” ở Pháp hẳn là sẽ bị nền dân chủ Hoa Kì cấm đem trương
lên. Điều này thật dễ hiểu. Ở Mĩ, con người có tư tưởng và đam mê dân chủ;
ở châu Âu, chúng ta vẫn còn có những tư tưởng và những đam mê cách
mạng.
Nếu có khi nào nước Mĩ còn thấy nổ ra những cuộc cách mạng lớn, thì đó
sẽ là những cuộc cách mạng tiến hành bởi những người da đen sống trên
mảnh đất Hoa Kì: có nghĩa đó sẽ không phải là những cuộc cách mạng có
nguyên nhân từ quyền bình đẳng, mà ngược lại, những cuộc cách mạng nảy
sinh từ tình trạng bất bình đẳng của họ.
Khi các điều kiện được cào bằng, mỗi con người thích sống cô lập trong
bản thân mình và quên đi mọi con người đông đảo bên ngoài. Nếu các nhà
lập pháp của các quốc gia dân chủ chẳng tìm cách sửa đổi cái khuynh hướng
tai hoạ này đi, mà lại còn tạo thuận lợi cho nó, thì tức là từ trong tư tưởng
nền lập pháp nghĩ đến cách làm cho công dân quay lưng lại với các đam mê
chính trị và bằng cách đó mà làm cho công dân xa lánh các cuộc cách mạng,
khi đó, có thể xảy ra tình trạng là, cuối cùng nền lập pháp lại tạo ra cái điều
tồi tệ mà họ định tránh, và sẽ có thể xảy tới một thời kì khi các đam mê hỗn
loạn của vài con người, được sự ủng hộ của tính ích kỉ không có trí tuệ và
của sự thối nát trong đa số con người, cuối cùng hoá ra lại có thể ép toàn bộ
xã hội phải chịu những thăng trầm kì lạ.
Trong các xã hội dân chủ, chỉ có những nhóm thiểu số nhỏ là muốn có
cách mạng; song các nhóm thiểu số đôi khi cũng có thể tiến hành các cuộc
cách mạng đó.
Tôi không hề nói là các quốc gia dân chủ có thể tránh không để xảy ra
cách mạng, tôi chỉ nói rằng trạng thái xã hội của các dân tộc này không dẫn