thì lại thô tục hơn so với đại quốc gia. Ấy thế mà chỉ có cái quốc gia bé nhỏ
không văn minh này là có vũ khí và chỉ có nó biết dùng vũ khí thôi.
Thực ra thì điều làm gia tăng mối hiểm nguy do tinh thần quân đội và tính
bất trị của quân đội gây ra trong nhân dân các quốc gia dân chủ chính lại là
cái trạng thái ưa chuộng hoà bình của các công dân là đồng bào của các binh
lính. Không có gì nguy hiểm hơn là hoàn cảnh một quân đội tồn tại trong
lòng một dân tộc không thích chiến chinh; cái tình yêu quá trớn của mọi
công dân đối với sự thanh bình yên ả ở các quốc gia này mỗi ngày lại khiến
cho hiến pháp bị phó mặc cho binh lính.
Vì vậy, một cách tổng quát, ta có thể nói rằng nếu người dân các quốc gia
dân chủ, do lợi ích và do bản năng của họ, đều có xu thế tự nhiên là thích
hoà bình, thì họ cũng không ngừng bị quân đội của họ lôi kéo họ về phía
chiến tranh và cách mạng.
Những cuộc binh biến, là điều hầu như chẳng khi nào phải e ngại trong
các quốc gia quý tộc trị, thì lại là điều đáng gờm ở các quốc gia dân chủ.
Cần phải xếp loại những mối hiểm nguy đó vào loại đáng gờm hơn cả trong
tất cả những nguy cơ đối với tương lai các quốc gia dân chủ; các chính
khách cần phải chú ý liên tục để tìm cho ra một phương thuốc cho vấn đề
này.
Khi một dân tộc thấy trong lòng nó xôn xao mối âu lo vì tham vọng của
quân đội nước mình gây ra, điều đầu tiên phải suy nghĩ là làm sao cho cái
tham vọng khó chịu đó có được một đối tượng, đó là một cuộc chiến tranh.
Tôi chẳng hề muốn nói xấu chiến tranh; chiến tranh bao giờ cũng khiến
cho tinh thần một dân tộc to lớn thêm và làm cho tình cảm dân tộc đó được
nâng cao lên. Có khi chỉ riêng chiến tranh là đủ để ngăn chặn sự phát triển
quá trớn của một số khuynh hướng nào đó thường vẫn làm đẻ ra sự bình
đẳng, và ở nơi nào cần phải coi chiến tranh là thiết yếu để chữa chạy một số
bệnh tật kinh niên các xã hội dân chủ thường dễ mắc phải.
Chiến tranh có những ưu thế lớn, nhưng ta chẳng nên tự huyễn hoặc mình
và thấy chiến tranh làm giảm được cái nguy cơ như vừa chỉ ra. Chiến tranh