CHƯƠNG BA: Tại sao người khôn ngoan lại
bác bỏ truyền thông xã hội, và tại sao họ không
nên
Trong hơn sáu năm qua tôi đã nói về những lợi ích của truyền thông xã
hội với rất nhiều doanh nghiệp, và hầu hết lý do tại sao các nhà lãnh đạo
không muốn đầu tư vào nó mà tôi nghe được đều xoay quanh sự e ngại.
Như tôi đã nói, Phố Wall khiến các công ty khó lòng mạo hiểm. Có lẽ hồi
đầu cũng có mạo hiểm, nhưng đến thời điểm này thì rủi ro mà ai cũng tránh
né chỉ tồn tại trong đầu họ thôi. Tôi biết khó mà tin được khi bạn bắt gặp
những dòng tít ghi “Phần lớn các thương hiệu vẫn không dính đến
Twitter,”
và “Mạng xã hội có lẽ không sinh lợi như nhiều người tưởng”.
Có lẽ bây giờ những dòng tít đại loại như thế đúng về ngữ nghĩa, mà nếu
đúng, trong hầu như mọi trường hợp, thì lý do đều giống nhau – hầu hết
những công ty đang nỗ lực sử dụng các kênh truyền thông xã hội đều sử
dụng không đúng cách. Ý tôi là, chỉ vì bạn dẫn bóng tệ hoặc không thể ném
bóng vào rổ không có nghĩa là trái bóng rổ của bạn bị lỗi thiết kế. Và
nguyên nhân họ không sử dụng đúng cách thường là do họ không quyết
tâm; họ vẫn không xem trọng mục tiêu đó. Đúng là bạn cần phải sử dụng
truyền thông xã hội bởi vì nếu không thì các đối thủ cạnh tranh của bạn sẽ
vượt lên bạn. Tuy nhiên cách chúng ta nói chuyện và cư xử khi chúng ta
quan tâm vờ vịt khác xa cách chúng ta nói chuyện và cư xử khi chúng ta
quan tâm thật lòng. Chủ ý của chúng ta ảnh hưởng đến sức thuyết phục của
hành động, do đó nếu một nhà lãnh đạo chỉ bắt chước (đưa bản thân và
công ty của mình vào truyền thông xã hội chỉ vì đối thủ cạnh tranh của họ
làm thế) và chủ ý của họ không phải để thấm nhuần mọi khía cạnh trong
công việc bằng các nguyên tắc của Nền Kinh tế Cảm ơn, đương nhiên họ sẽ
không bao giờ gặt hái được đầy đủ lợi ích. Nhà lãnh đạo đó giống như một
người bơi đưa mà cứ quẩn quanh rìa bể bơi cả tháng, thận trọng thò chân
xuống nước thăm dò, và rồi lại phàn nàn là tốc độ bơi không tiến bộ.