xã hội nếu không hết sức kiên nhẫn, cũng như thiếu quyết tâm và chiến
thuật.
9. Vấn đề pháp lý quá hóc búa.
Lĩnh vực kinh doanh của tôi, rượu các loại, được quản lý rất chặt, và tôi
biết có biết bao thử thách sẽ đón chờ khi một công ty tìm cách dấn vào điều
gì mới mẻ. Bạn tuyển dụng bộ phận pháp lý để bảo vệ bạn; công việc của
bộ phận này là phải thận trọng và không được mạo hiểm… để đảm bảo an
toàn hết mức cho công ty. Đó là lý do sự thay đổi phải bắt đầu từ trên
xuống. Chỉ có CEO hoặc nhà lãnh đạo khác của công ty mới có thể ngồi
xuống với bộ phận pháp lý và nói, “Công ty này sắp áp dụng truyền thông
xã hội. Thay vì tập trung vào những quả tên lửa tầm nhiệt để tìm ra những
lỗi chết người trong việc này, hãy tìm cách chấp nhận rủi ro ở mức chấp
nhận được và làm cho việc này trở nên khả thi.” Nếu bạn làm trong ngành y
tế, dược, hoặc tài chính, bạn sẽ không thể nào thoáng được như các ngành
khác. Nhưng các nhà lãnh đạo phải có độ thoáng đó cho chính mình và
thương hiệu của mình để vượt qua các giới hạn hết mức có thể. Tôi có lợi
thế đã từng làm tư vấn trong những lĩnh vực này, nên tôi có thể nói rằng các
giới hạn đó có được mở rộng đến đâu luôn tùy thuộc vào bộ gen của công
ty. Mỗi phòng pháp lý đều có ADN riêng, mỗi CEO cũng thế, và cuối cùng
thì công ty sẽ phản ánh bộ gen của nhà lãnh đạo công ty, chứ không phải
của các luật sư. Hãy kích hoạt từ cấp cao nhất, và hãy để triết lý tận tâm
thấm nhập mọi cấp bậc trong công ty. Đương nhiên, việc cân nhắc các khía
cạnh đạo đức và pháp lý có ý nghĩa quan trọng trong truyền thông xã hội
(có lẽ còn quan trọng hơn bao giờ hết, nhờ vào sự minh bạch vốn có).
Nhưng để mình bị ép phải đầu hàng trước khi bạn còn chưa bắt đầu, không
nghiên cứu hết mọi khả năng, là không thể biện minh được, nhất là khi
người tiêu dùng cảm thấy quá xa cách với những lĩnh vực này. Những
doanh nghiệp đi đẩu trong các lĩnh vực này sẽ gặt hái được thắng lợi đáng
kể.