Tóm lại những điều trên là nguồn gốc, nội dung và mục tiêu của giới.
Một điểm nữa là khi nghiên cứu giới luật, người ta thường nói làm sao mà
giữ giới được. Thật là khó khăn hết sức để giữ được giới luật. Chẳng hạn,
ngay cả giới cấm sát sinh, đôi khi cũng rất khó giữ. Khi rửa chén, rất có thể
ta đã giết một vài con kiến. Lại nữa, hình như lúc nào cũng rất khó khăn
trong việc nói năng để giữ được giới Chánh Ngữ. Làm sao ta có thể giải
quyết cái khó khăn chính đáng đó? Vấn đề không phải là có luôn luôn giữ
giới hay không. Trọng tâm là nếu những giới luật được thiết lập đúng, nếu
chấp nhận bình đẳng và hỗ tương là những nguyên tắc mà ta tin theo, nếu
xác nhận rằng những giới luật quả là thích đáng để thực thi những nguyên
tắc đó, thì bổn phận chúng ta là phải tuân theo và giữ giới đến mức tối đa.
Ðiều này không có nghĩa là lúc nào cũng phải tuyệt đối giữ giới. Nhưng
phải nói rằng nếu muốn sống hòa bình cho chính mình và cho người khác,
ta phải tôn trọng đời sống và tài sản của chúng sinh. Và nếu có trường hợp
mà ta không thể áp dụng luật lệ đặc biệt trong hoàn cảnh đặc biệt, thì không
phải giới luật sai. Ðó chỉ là kẽ hí giữa luật-tắc và thực hành.
Khi người thuyền trưởng nhìn sao để lái chiếc tầu của mình trên đại
dương, vị thuyền trưởng này không thể theo đúng con đường được chỉ dẫn
bởi các vì sao. Các vì sao vẫn giữ vai trò hướng dẫn nhưng lái theo sao
không thật chính xác hay chỉ xấp xỉ đúng, rồi vị thuyền trưởng vẫn đưa tầu
tới bến. Cũng như vậy, khi chúng ta giữ giới, chúng ta không thể nói rằng
chúng ta lúc nào cũng có thể giữ được giới. Vì việc năm giới luật được gọi
là giới cho việc tu tập nên tại sao ta cứ phải giữ các giới này dài dài. Cái mà
ta có được trong giới luật là cái khung từ đó chúng ta có thể sống hài hòa
với các nguyên tắc căn bản soi sáng giáo lý đạo Phật, nguyên tắc bình đẳng
cho tất cả chúng sinh và nguyên tắc tôn trọng người khác.
-ooOoo-