Khi vui chúng ta trở nên hữu hiệu khiến chúng ta làm trọn công việc một
cách tốt đẹp nhất. Vào trường hợp khi tâm chúng ta bị xáo trộn và phiền
muộn, ngay cả các công việc dễ dàng ta cũng không chu toàn được Vì vậy,
ta có thể thấy tâm quan trọng như thế nào trong tất cả phạm vi hoạt động.
Có ba bước trong Bát Chánh Ðạo nằm trong nhóm ÐỊNH là Chánh
Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Ðịnh. Nhờ ba bước này động viên và giúp
ta, ta trở nên tự tin, có ý tứ và trầm tĩnh. Trước tiên, trong ý nghĩ thông
thường, Chánh Tinh Tấn có nghĩa là tạo nên một thái độ tích cực trong
công việc. Chúng ta có thể gọi Chánh Tinh Tấn là nhiệt tình. Nó có nghĩa là
thi hành nhiệm vụ với nỗ lực và thiện chí để chu toàn. Trong kinh có nói là
chúng ta phải bắt tay vào việc giống cách con voi bước xuống một hồ nước
mát giữa cái nóng báng của trưa hè. Với sự cố gắng như thế, chúng ta sẽ
thành công trong tất cả mọi việc mà chúng ta hoạch định, trong bất cứ nghề
nghiệp, học hỏi hay thực hành Pháp. Trong ý nghĩa đó, tinh tấn cũng liên
quan đến tin tưởng. Nó là sự áp dụng thực tế của tin tưởng. Nếu chúng ta
không cố gắng trong bất cứ việc gì chúng ta làm, chúng ta không thể có hy
vọng thành công. Nhưng cố gắng phải được kiểm soát, phải được cân nhắc.
Ðến đây, khi nói về Trung Ðạo, chúng ta có thể nhớ lại cái mà ta gọi những
sợi dây đàn, có sợi dây căng quá và sợi dây chùng quá. Vì vậy tinh tấn
không bao giờ nên quá căng, quá cực đoan, và tương tự cũng không nên
quá chểnh mảng, lơ là . Ðó là Chánh Tinh Tấn, một quyết tâm được theo
dõi, vững vàng, hăng hái và phấn khởi.
Chánh Tinh Tấn được chia làm bốn khía cạnh (Tứ Chánh Cần). Một là
tinh tấn để ngăn chận các tư tưởng bất thiện trỗi lên. Hai là tinh tấn để loại
bỏ các tư tưởng bất thiện đã trỗi lên. Ba là tinh tấn để trau dồi các tư tưởng
thiện. Bốn là tinh tấn để giữ các tư tưởng thiện. Ðiều cuối cùng rất đặc biệt
quan trọng vì dẫu rằng chúng ta tạo nên một thái độ hướng thiện, nhưng
thái độ đó thường chóng thay đổi. Bốn khía cạnh trên của Chánh Tinh Tấn
tập trung năng lực vào các trạng thái tinh thần (tâm sở) theo một cách thể
để giảm thiểu hoặc loại bỏ những tâm bất thiện mà chúng ta ấp ủ trong tâm
cũng như để tăng trưởng và củng cố các tư tưởng thiện như một phần của
bản chất tinh nguyên của tâm.