giống như vậy, quả của nghiệp hiển hiện sau một thời gian ngắn, hay sau
một thời gian dài.
Ngoài thiện nghiệp và ác nghiệp, còn có loại nghiệp trung tính hay
nghiệp không tác động. Nghiệp trung tính không đem hậu quả tinh thần vì
thực chất của hành động này không có hậu quả tinh thần hay chỉ là hành
động vô tình và không chủ ý. Thí dụ, ngủ nghỉ, đi đứng, thở hít, ăn uống,
làm thủ công, vân vân... là những hành động không có hậu quả tinh thần.
Tương tự như vậy, một hành động không chủ ý, thuộc loại nghiệp vô-tác
hiệu-lúc. Nói một cách khác, nếu ta vô tình dẫm trên một côn trùng trong
lúc không biết nó có ở chỗ đó, hành động này là nghiệp trung tính vì không
có tác ý - yếu tố tác ý không có nơi đây.
Ích lợi của Nghiệp luật là ngăn cản ta hành động bất thiện vì bất thiện
đem lại đau khổ. Một khi chúng ta hiểu rằng trong đời sống mỗi hành động
đều có một phản ứng tương ứng và cân bằng, một khi chúng ta hiểu rằng
chúng ta sẽ phải gánh chịu quả của hành động này, chúng ta sẽ kềm chế tư
cách bất thiện, để khỏi gánh chịu quả của những hành động bất thiện ấy.
Tương tự như vậy, hiểu rằng hành động thiện đem quả hạnh phúc, chúng ta
sẽ sẽ cố gắng làm những hành động thiện ấy. Nghiệp luật phản ảnh hành
động và phản ứng về mặt tinh thần, và khuyến khích chúng ta từ bỏ những
điều bất thiện cố gắng huân tập thiện nghiệp. Chúng ta sẽ xét kỹ hơn vào
những hiệu quả đặc biệt của nghiệp trong kiếp sau, và những điều kiện để
nghiệp quyết định tính chất của tái sinh trong bài tới.
-ooOoo-