chiếc long kiệu cặp bến, kiệu thôn Thủy Tộc được rước lên đầu tiên, thứ
đến ba chiếc kiệu thôn Hạ, rồi mới đến ba chiếc kiệu thôn Thượng.
Đám rước theo con đường cũ trở về. Các kiệu đi theo thứ tự lúc ở sông
lên. Đến ngã ba đường, nơi kiệu thôn Thủy Tộc đã nhập vào đám rước
lúc trước, đám rước ngừng lại rồi một lát sau thôn Thủy Tộc rước kiệu
thôn mình về đình thôn. Hương chức ba thôn họp mặt trước khi kiệu
thôn nào rước về thôn đó, hương chức ba thôn Thủy Tộc tới khấu đầu
trước các kiệu hai thôn Thượng, Hạ, và hương chức hai thôn này cũng
tới khấu đầu trước kiệu thôn Thủy Tộc.
Chờ cho kiệu thôn Thủy Tộc đi rồi, hai thôn Thượng và Hạ lại tiếp tục
rước sáu chiếc kiệu trở về, kiệu thôn Hạ đi trước, kiệu thôn Thượng đi
sau. Đám rước trở về tới trước đình thôn Hạ thì ngừng lại. Ở đây dân
thôn Hạ rước ba kiệu vào trong đình sau nghi thức khấu đầu của hương
chức thôn này trước ba chiếc kiệu của thôn kia.
Còn lại dân thôn Thượng với ba chiếc kiệu của thôn mình, họ tiếp tục
đám rước cho đến đình thôn.
Đám rước chung của ba thôn rất nhộn nhịp tưng bừng, cờ quạt tán tàn
phất phới, chiêng trống ầm ĩ với những bản nhạc của phường bát âm.
Dân chúng ba thôn đi theo đám rước tới tận bờ sông, họ chờ ở đó để lại
đi theo đám rước thôn nào về đình thôn đó, khi các kiệu ra giữa sông lấy
nước trở về.
Điểm đặc biệt ở đây bạn đọc hẳn nhận thấy, lẽ ra lễ mộc dục, như tại các
làng khác chỉ cử hành ở đình chính của làng, thì ở đây, lễ này đã được cử
hành ở cả ba đình thôn Thượng, thôn Hạ và thôn Thủy tộc. Những cuộc
tế lễ của ba thôn cũng cử hành riêng, và trong ba ngày hội, hương chức
hai thôn nọ phải tới lễ tại đình thôn kia, và dân chúng cả ba thôn đều kéo
nhau đi lễ ở cả ba ngôi đình, tuy họ hiểu ở cả ba nơi này đều thờ phụng
Chử Đồng Tử và hai vị phu nhân.
Những cổ tục và các cuộc vui