[2] Lĩnh Nam Trích quái của Trần Thế Pháp, bản dịch của Lê Hữu Mục,
Khai Trí xuất bản, in lần thứ nhất, Sài Gòn 1961. Nam Hải dị nhân của
Phan Kế Bính, Mặc Lâm Sài Gòn 1968.
[3] Theo Phan Kế Bính là Chử Cù Vân.
[4] Mũ của vị tướng thời xưa khi đội ra trận.
[5] Chép theo thần tích xã Đa Hòa nên không thấy nhắc tới xã Tự Nhiên
và nhiều xã khác cũng có thờ Chử Đồng Tử và hai phu nhân.
[6] Nay là phủ Khoái Châu.
[7] Theo Nguyễn Đăng Thục trong Tư tưởng Việt Nam, Tư tưởng triết
học bình dân, Khai Trí, Sài Gòn 1965, trang 155-157.
Hội Vàm Láng với cổ tục thờ và rước cá voi
Vàm là chỗ cửa sông. Vàm Láng là cửa rạch Vàm Láng thuộc địa phận
xã Kiểng Phước tỉnh Gò Công (Tiền Giang) nơi đây có tục thờ và rước
cá Voi, hàng năm dân chúng mở hội làm lễ rước cá Voi vào đêm 15 rạng
ngày 16 tháng 6 âm lịch.
Tục thờ cá Voi
Trước khi nói tới Hội hè ở Vàm Láng chúng tôi xin được phép nói sơ
qua tới tục thờ cá Voi của dân chúng các làng ven duyên, nhất là ở miền
Trung và miền Nam.
Cổ tục này được nhắc tới trong nhiều sách vở Việt Nam nhất là trong Đại
Nam Nhất Thống Chí, quyển nói về Thừa Thiên, Linh mục L. Cadière
cũng đã nhắc tới trong khi nghiên cứu về tín ngưỡng và tục ngữ bình dân
vùng thung lũng Nguôn Sơn (Croyances et dictons populaires de la
vallée du Nguon Son). Gần đây trong tập san Đệ nhị tam cá nguyệt 1972
của Hội Nghiên cứu Đông Dương, cũng có một bài đề cập tới tục này.