NẾP CŨ, HỘI HÈ ĐÌNH ĐÁM - Trang 327

Tế lễ ba thôn tế lễ riêng, nhưng các cuộc vui và các cổ tục lại cử hành
chung. Thôn Thủy Tộc chỉ có các cuộc tế lễ và không có cuộc vui cổ
truyền nào.

Tại hai thôn Thượng và Hạ, dân làng có tổ chức gồm có cờ bỏi và tổ tôm
điếm.

Cờ bỏi: Đã trình bày trong HỘI CHÙA THẦY.

Tổ tôm điếm: Đã trình bày trong HỘI CUNG THUẬN.

Chử Đồng Tử là một trong Tứ Bất Tử theo tín ngưỡng của người Việt
Nam, và rất được dân chúng Việt Nam tôn sùng. Nhiều làng có đền thờ
ông và hai phu nhân.

Qua câu truyện về ông, ta nhận thấy bên trong đã gói ghém triết lý nhân
sinh của Đạo Lão sống theo tự nhiên, với nếp sống phù hợp với thiên
nhiên như lúc mới sinh ra của cha con họ Chử, với lòng hiếu tự nhiên
của con đối với cha khi Đồng Tử đem chôn chiếc khố độc nhất theo cha,
với sự gặp gỡ rất tự nhiên trong khung cảnh trời sinh giữa Tiên Dung và
Chử Đồng Tử, hai người đã gặp nhau không y phục như lúc chào đời,
với nếp sống phóng khoáng của Tiên Dung ưa cảnh thiên nhiên không
thích lầu son gác tía, và với sự sống của cặp vợ chồng này theo lẽ tự
nhiên không câu nệ nghi lễ.

Câu chuyện cũng đã nói lên sự hợp dung giữa đạo Lão và đạo Phật tại
Việt Nam qua truyện nhà sư Phật Quang truyền phép cho Chử Đồng Tử,
cây gậy và chiếc nón đã không là gì và đã tạo nên tất cả. Phải chăng đây
tượng trưng cho triết lý cao xa của đạo Phật, mọi việc đều do tâm, có hay
không ở nơi tâm cả.

[1] Bốn vị này là: Tản Viên Sơn Thần, Phù Đổng Thiên Vương, Liễu
Hạnh Công Chúa, và Chử Đồng Tử. Xin xem trong Tín Ngưỡng Việt
Nam của soạn giả.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.