ông Lớn và ông Cậu, Ông Lớn chỉ loại cá voi to lớn, còn được gọi là
Ông Khơi khi ở ngoài khơi, Ông Cậu chỉ loại cá voi nhỏ và còn được goi
là ông Lộng khi ở gần bờ. Ngoài ra những danh từ ông Thông, ông
Chuông, Ông Máng cũng được dùng để gọi Cá Voi một cách tôn kính.
Thêm danh từ Cá Ông rất thường dùng.
Theo những ngư dân Bình Thuận, song hành với việc cứu nguy dân chài,
hàng ngày Ông Nam Hải còn tập trung cá đàn giúp ngư dân đánh lưới.
Mỗi khi ngư phủ thấy Cá ông xơi, tiếng địa phương chỉ cá ông ăn cá, hả
miệng xốc tới đàn cá, người ta vội vàng chèo ghe tới bủa lưới. Thấy ngư
dân đánh cá, cá ông tránh xa, nhường cá cho dân chài tha hồ thu hoạch.
Đối với dân chài, ân cá voi thật sâu, bởi vậy những ai đã sống về nghề
chài lưới đều không thể vong ân bội nghĩa đối với Ông Nam Hải.
Cá ông khi chết được gọi là Lụy. Dân chài Bình Thuận cho biết, nếu ông
chẳng may lụy ở ngoài khơi, lập tức có một ông khác kề lưng dìu đưa thi
hài ông vào tới gần bờ. Nơi đây ngư dân trông thấy, họ lập tức cho
thuyền đón rước, cung nghinh xác ông vô lăng dinh vạn, nơi thờ cá ông.
Trong những lần tiếp rước cung nghinh này, ngư dân thường được cá voi
ở ngoài hải phận tỏ sự biết ơn và hài lòng đối với dân chài bằng cách thả
ra làn khói trắng theo lỗ thông đạo ở đỉnh đầu, lỗ thông đạo chính là lỗ
phun nước nhắc trong Đại Nam Nhất Thống Chí. Sau đó có những tiếng
kêu bong bong, như chuông đồng ngân vang.
Mỗi lần chết, cá voi phải chịu trôi nổi lênh đênh trên biển cả, trong lúc
dập dềnh trôi nổi này, bao giờ cá voi cũng nằm ngửa, theo ngư dân, lối
nằm ngửa này cốt để bảo vệ ruột gan khỏi bị các loài thủy tộc khác xúc
phạm ăn mất. Cũng theo ngư dân trong lúc dập dềnh trôi nổi, Ông Nam
Hải được các vị thủy thần bảo vệ cho đến khi có ngư dân phát giác thấy
đem thuyền đón rước cung nghinh.
Các thủy thần bảo vệ Ông Nam Hải gồm Cá Đao, Tôm và Mực là những
thủy tộc có những vũ khí sắc bén chống lại bất cứ loài thủy tộc nào muốn
xâm phạm tới mình ông.