Ngay từ tháng Ba đầu năm dân làng hàng tổng đã phải đi lùng trâu ở
khắp nơi các tỉnh miền Bắc, sự kén chọn trâu chọi do các tay chuyên
môn hiểu biết về trâu qua tướng trâu, có con trâu chọi nhau hăng hái, có
con trâu chỉ biết cổ cày vai bừa, ăn no kéo nặng không chiến đấu.
Theo các nhà chuyên môn, trâu chọi phải đầu nhỏ, cổ dài, bờm[1] tròn,
lưng hơi hơi nhô lên. Sừng trâu phải cứng, vuông ở chân sừng, mặt sừng
mịn, không dấu vết, vươn thẳng một mạch lên khỏi đầu, hai chiếc sừng
cân đối và như nằm trong một mặt phẳng. Hơn nữa sừng phải kín, tiếng
chuyên môn để chỉ những cặp sừng hai đầu không quá xa nhau, và cũng
không cao khỏi trán trâu bao nhiêu. Tất nhất khi cặp sừng cách trán trâu
chừng sáu tấc, 20 phân ngày nay (20cm) và hai đầu sừng cách nhau vào
khoảng 12 tấc. Mắt trâu phải tròn và lanh lợi, nằm dưới cặp vành mắt
cứng khỏe. Hàm trâu phải thuộc loại hàm nghiên, nghĩa là đen như
nghiên mực. Tai trâu phải dính với sừng, xoáy trâu trên đầu phải nhiều
lông và những lông này phải cứng. Trán phải dẹt, thân phải mập lẳn...
Trâu phải cao vây, sa ức, kín sườn, bụng cheo đúng như lời tục ngữ. Vây
là cái bướu ở vai, tức là phía ngực. Muốn kín sườn, đôi vai trâu phải to,
còn bụng cheo tức là loại bụng hơi lớn lớn.
Người ta còn kén trâu qua đuôi, đùi chân và các khớp chân; đuôi tròn,
đùi dài, chân ngắn, khớp dẻo dai. Ngoài ra, cũng cần để ý tới khoáy trâu,
nghĩa là những chỗ lông trâu hợp thành từng khoáy như tóc trên đầu con
người. Tục tin rằng con trâu nào có hai khoáy đối nhau ở hai bên đùi là
con trâu sẽ chiến thắng sau những cuộc giao đấu hăng say.
Loại trâu chọi thường được lựa trong những con trâu từ tám đến mười
tuổi.
Kén chọn trâu qua hình dáng tướng mạo, nhưng người lựa trâu cũng cần
để ý đến xuất xứ của mỗi con trâu. Phải tuyệt đối tránh mua lại trâu ăn
cắp, do đó, người ta thường tìm hẳn đến các chủ trâu.
Lễ trình châu