Ngày mồng Mười tháng Tám, tất cả 14 con trâu đã dự cuộc đấu loại đều
được đem tới trình diện với đức tôn thần tại đình hàng Tổng, tuy nhiên
chỉ được dự vào các trận bán kết và chung kết:
3 con trâu của xã Đồ Sơn
2 con trâu của xã Đồ Hải
và 1 con trâu của xã Ngọc Xuyên.
Những trận bán kết và chung kết được thể hiện tại đấu trường, một khu
đất trước mặt ngôi đình chung, có bắc gióng chung quanh.
Trước những trận đấu kết cục này, các viên chức hàng Tổng cũng cố lễ
cáo thần linh. Trong khi ở trong đình đang hành lễ, những con trâu dự
cuộc còn ở bên ngoài gióng và mắt chúng đều có vải che.
Cuộc lễ xong, dân làng đánh một hồi trống dài. Tiếng trống dứt, tại gióng
trâu, một người phất cờ lệnh ra hiệu.
Theo hiệu cờ, hai xã dự cuộc đấu thứ nhất, rước trâu vào gióng, rước một
cách rất long trọng, có người che lọng cho trâu, theo sau trâu đủ đồ lỗ bộ
bát bửu và cờ quạt lại thêm cả chiếc kiệu.
Đám nước trâu đi giữa tiếng trống liên hồi, và khi trâu đã vào gióng rồi,
tiếng trống vẫn không ngừng.
Vải che mắt trâu được bỏ đi, đôi trâu diện đối diện. Có con trâu trước khi
chiến đấu đã được dân xã cho uống rượu. Đôi trâu gườm gườm nhìn
nhau, xông vào húc nhau. Cuộc chiến đấu thật tàn bạo và dữ dội, khách
đứng xem trước những đòn trâu giao nhau phải thấy rợn mình. Càng
đánh nhau chúng càng hăng. Mắt chúng đỏ ngầu. Chúng đưa cặp sừng
lên, chúng hất cặp sừng xuống. Chúng đều lăn xả vào nhau như có một
mãnh lực thiêng liêng gì thúc đẩy.
Trong lúc đó, tiếng trống vẫn vang lên, cờ lệnh vẫn phất, và dân chúng
như để cổ võ cho đôi trâu chọi nhau vẫn hò reo.