Khi đánh đuổi quân Tô Định, Hai Bà có những đoàn nữ binh can đảm và
anh hùng không kém những đội binh phái khỏe. Trong những ngày thao
luyện, các đoàn nữ binh có một môn du hí đặc biệt vừa ầm ỹ vừa phấn
chấn tinh thần chiến đấu của mọi người, đó là đánh phết.
Ai đã có dịp xem các đội khúc côn cầu biểu diễn, có thể tưởng tượng đến
đánh phết một cách dễ dàng, vì môn đánh phết cũng tương tự như môn
thể thao khúc côn cầu, có điều chơi đánh phết khỏe mạnh hơn, ồ ạt hơn.
Quả phết bằng gỗ tròn và to bằng một chiếc bong bóng trâu thổi phóng
và nặng vừa sức chơi.
Để đánh phết, phải dùng những gốc tre đực đào cả củ, đánh bỏ hết rễ đi.
Mỗi gốc tre dài vào khoảng một thước ngày nay và củ tre uốn khoăm
khoăm. Người chơi phết phải có sức mang nổi chiếc gậy gốc tre, dùng
những gậy đó phang vào quả phết bằng đầu có củ tre. Quả phết lăn theo
sức gậy, và cũng có khi bị củ tre móc kéo đi.
Những người đánh phết chia làm hai bên, nhiều ít tùy theo số người dự
cuộc. Phết chơi trên một khu đất rộng, gọi là sân phết, phân làm hai
phần, mỗi phần về phía cuối sân có vẽ vôi một vòng tròn hoặc đào một
hố có thể lọt quả phết xuống.
Đánh phết, người bên nọ dồn phết về phía bên kia, bao giờ quả phết lăn
vào cái vòng tròn hoặc cái hố của bên kia là thắng. Trong khi chơi, phải
liệu tránh những đòn phang rất mạnh của phía địch vào quả phết, lại phải
khéo léo đưa hoặc kéo quả phết về phía sân địch.
Vừa đánh phết vừa tha hồ hò reo cười nói đề cuộc vui càng hoạt động.
Xưa kia, tương truyền rằng mỗi khi nữ binh chơi phết, Hai Bà Trưng
thường ngự làm và thường treo giải cho bên nào thắng.
Khi Hai Bà thua quân tự vận, các tướng của Hai Bà, nam cũng như nữ
đều chết theo để toàn trung. Tướng Cao Nguyên sau khi tử tiết, xác trôi
về hạt Vĩnh Tường ở Phong Châu, được làng Thượng Lạp vớt lên lập
đền thờ.