không có phản ứng và như vậy trong suốt năm, dân làng có thể gặp
những sự không may. Phải chăng thần linh ngài có mặc cảm, sợ người
thập phương nhìn ngay vào trước mặt đình sẽ tưởng tượng được tới tiền
thân của ngài, hay vì ngài sợ chạm vía như lúc sinh thời mỗi khi ra đi
hành nghề.
Bởi vậy, trong suốt buổi lễ, không may có ai xa xôi mới tới không biết
tục làng, vô ý đứng nhằm phía trước cửa đình sẽ bị thanh niên trong làng
xông tới quật ngã cho đến nằm bò xuống đất. Khách chống lại, thanh
niên trong làng sẽ xô nhau vào quật bằng được cho khách ngã. Khi ngã,
nếu khách không biết lại đứng ngay lên ở trước cửa đình, khách liền lại
bị quật bò xuống. Bị quật ngã như vậy, khách có bị thương, dân làng
cũng không cần biết đến. Khách đã bị quật bò chỉ có cách lăn ra mé bên
cạnh, không trông thẳng vào đình, mới đứng lên, sẽ không bị quật bò
tiếp. Những nhà nhiếp ảnh tới chụp ảnh những cuộc vui của dân làng
trong ngày hội cũng bị thanh niên trong làng quật bò.
Năm 1938, chính kẻ viết những dòng này đã được mục kích một cảnh
quật bò trông thật đáng sợ. Một ông thợ ảnh ở tỉnh lỵ Vĩnh Yên, mang
máy ảnh tới chụp ảnh một cổ tục ở xã này trong ngày hội đã bị quật bò
đứng lên nằm xuống, và máy ảnh đã bị phá hỏng, quần áo xộc xệch tơi
bời, mặt mày sưng tím. Ông không dám kháng sự, chỉ đành ôm máy
hỏng và thân hình lôi thôi lếch thếch ra về.
Với cổ tục này, dân xã Tích Sơn quả đã thích chiến đấu để bảo vệ tục
làng, tuy tính cách chiến đấu hơi tàn nhẫn, nhất là những kẻ đối thủ lại ở
trong thế cô. Nhưng xin thưa đây là lệ làng!
Đánh bệt
Tục đánh bệt cũng là một tục tàn bạo, nhưng chiến đấu tính ở đây đã
được bộc lộ rất rõ rệt. Tục này ở Kẻ Nôi, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên
(Hải Hưng).
Thành hoàng làng này, nguyên trước làm nghề hành khất chết gặp giờ
linh, được dân làng này thờ phụng.