kia là một chú chích bị người ta bắt được và đánh chết, gặp giờ linh nên
được dân thôn Thượng lập đền thờ.
Hàng năm khi thôn vào đám, đêm rã đám dân thôn có tục Đấm Nhau.
Đêm đó, dân thôn, già trẻ, trai gái tụ họp đông đủ tại đình, trước là để
xem tế rã đám, sau là để cử hành hèm của vị Thành hoàng.
Cuộc tế thần xong, đèn nến trong đình đều tắt hết, mọi người đấm lẫn
nhau.
Đây là một cuộc chiến đấu thực sự giữa dân làng với nhau. Mạnh ai nấy
đấm, mạnh ai nấy đỡ, già đấm trẻ, trẻ đấm già, nam nữ đấm lẫn nhau.
Đấm nhau một hồi, đèn nến lại thắp lên, mọi người kéo nhau ra về, thản
nhiên như không hề xảy ra chuyện gì tuy có người sưng mặt bưu đầu.[4]
Hai xã đánh nhau
Đây là hai xã Sài Sơn, tỉnh Sơn Tây (Hà Bắc) và xã Thụy Khuê ở ngoại
ô Hà Nội. Thành hoàng hai xã này lúc sinh thời vốn thù hằn nhau, nên
hằng năm hai làng này phải có đánh nhau trong dịp hội Xuân thì cả hai
làng mới bình yên và làm ăn thịnh vượng được.
Hằng năm vào ngày mồng 6 tháng Giêng, hèm chung của hai làng được
cử hành như sau:
Trai tráng hai xã tụ tập ở ranh giới chung với gậy tay, gạch đá; đôi bên
khiêu khích nhạo báng nhau, có khi gọi nhau mà chửi, rồi cuối cùng hai
bên dùng gậy gộc đánh nhau thật sự đến có người bị thương. Họ đánh
nhau một trận kịch liệt, đôi bên mới kéo nhau ra về. Và ngày hôm sau,
dân hai làng gặp nhau lại tử tế với nhau như không có sự gì xảy ra. Hai
làng lại kết thân với nhau như cũ!
Chiến đấu tính thật đã hoàn toàn bộc lộ trong cổ tục này cũng như trong
cổ tục giữa bốn làng Thượng Ốc, Yên Lũng, Vân Lũng và Yên Thọ trình
bày dưới đây.