nồi đất. Cơm họ thổi, tuy còn nguyên trong nồi, sao mà mịn như cơm
nắm, hạt nọ như được lèn chặt với hạt kia. Cả nồi cơm đổ ra là một nắm
cơm lớn, nhưng là một nắm cơm không có vỏ. Họ thổi khéo léo đến độ
không bao giờ nồi cơm có đến một mẩu cháy nhỏ. Muốn ăn cứ việc xắt
ra từng miếng, rất thơm lại mát mùi nhựa gạo. Một điều đáng để ý và
cũng rất đáng khen, họ đã thổi cơm gây lửa làm sao, cơm chín mà chiếc
nồi không bén lửa. Vẫn nguyên chiếc nồi mới đến không có một vệt
khói. Cũng có người kém khéo léo hơn đã để ở chiếc nồi những vệt lửa
hoặc những lằn khói.
Theo lời người làng Tích Sơn, muốn thổi cơm mà không bén khói, phải
rất công phu và phải dùng hai chiếc nồi và hai bếp lửa, hay nói cho đúng
hơn, một bếp lửa và một bếp than. Bếp lửa bắc nồi đồng, bếp than đun
nồi đất. Nồi đồng trên bếp lửa, dùng trước đun nước sôi, nước sôi rồi đổ
chuyển sang nồi đất. Như vậy, khi được đổ vào nồi đất nước đã đủ độ
nóng, người ta chỉ việc tra gạo vào, không cần đun bằng lửa chỉ cần giữ
than cho hồng tránh khói, cơm sẽ chín. Gạo phải vo trước, để ráo nước
cho khỏi lạnh, lúc tra vào nồi đất cơm sẽ không trương. Gạo đổ vào nước
sôi rồi, người thổi cơm mới ghế đều lên. Dưới bếp, than luôn luôn giữ
hồng cho đến lúc cơm chín. Cơm ghế rồi, người ta dùng một chiếc lá mít
miết trên mặt cho mịn như cơm nắm. Như thế tức là thổi cơm mở vung
vậy. Thổi khéo thì cơm dẻo, mịn và thơm mát, nồi cũng không ám khói.
Khi nồi cơm đổ ra, đây là nguyên một nắm cơm, cắt nắm cơm này người
ta được những miếng cơm nắm mịn màng nén kỹ, trông trắng tinh thật
thơm ngon.
Trên đây là mấy lối thổi cơm tại một số các hội quê nhưng bên những
cuộc thi thổi cơm còn có những cuộc thi về gia chánh khác.
Thi làm bánh
Làng Từ Trọng, phủ Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, ngoài cuộc thi thổi
cơm, dân làng còn cuộc thi làm bánh để thử tài khéo léo của thiếu nữ
trong làng. Bánh đây không phải là bánh chưng, bánh gai, bánh trong,
bánh lọc, và cũng không phải là một thứ bánh nào đã có sẵn từ trước.