Các thiếu nữ dự thi phải tự có sáng kiến để làm một hai thứ bánh do
mình nghĩ ra. Bánh có thể làm bằng bột nếp hoặc bột tẻ, bột thường hoặc
bột lọc, bột gạo, bột hoàng tinh hay một thứ bột khác nào tùy ý. Các cô
phải chế hóa lấy theo ý muốn và tài năng của mỗi cô.
Qua cuộc thì làm bánh này, dân làng mong tìm thấy những khám phá
mới qua bánh trái. Và thâm ý các cụ còn mong mỏi điều khác:
- Phải để cho trẻ nó tập suy nghĩ, sau này thành gia thất thỉnh thoảng nó
biết thay đổi món ăn cho chồng con.
Qua câu nói trên của một cụ dân làng Từ Trọng, hiện nay đang sống ở
Sài Gòn, ta thấy qua cuộc thi tuy là để mua vui trong dịp hội Xuân, tuy là
để luyện cho các cô gái làng về gia chánh, nhưng mục đích sâu xa hơn là
muốn tạo hạnh phúc tương lai cho con trẻ.
Làm bánh, các cô lại phải đặt tên cho thứ bánh mình làm.
Đây là một công việc khá khó khăn, cha mẹ các cô ai nấy đều muốn
bánh các cô làm mang một cái tên thật đẹp, do đó việc đặt tên thường do
ông cha đã tìm chữ đặt trước cho thứ bánh con cháu mình làm.
Thí dụ: Song phượng tề phi, nghĩa là hai con phượng cùng bay. Chiếc
bánh có thể to bằng chiếc mâm đồng, bột lọc trong suốt, duy có hai con
phượng hình đang bay có nhân đậu xanh làm nổi mình phượng nằm trên
mâm bánh.
Một thí dụ khác: Lý ngư vượt vũ môn, cá chép vượt vũ môn. Đây là nhắc
lại tích cá đi thi để hóa rồng. Một dòng thác chảy mạnh bằng bột lọc,
hoặc bằng nước đường trắng cô đặc, hai bên bờ dòng nước là lớp bột gạo
thắng đường, mé dưới có dăm ba con cá chép bằng bột trắng, mang cá
hồng hồng như đang muốn vượt ngọn thác.
Một thí dụ thứ ba: Mẫu đơn phú quý, ở đây với chiếc bánh, người đặt tên
bánh muốn nhắc lại một câu ca dao cũ để răn bảo và khuyến khích trai
làng trên đường sự nghiệp: