162
Tìm hiểu phong tục Việt Nam qua Nếp cũ gia đình và Lễ - Tết – Hội hè
Tác giả: Toan Ánh – Nhà xuất bản Trẻ
Tục tết lẫn nhau
Những người chịu ơn người khác, những kẻ dưới trong làng, để tỏ lòng
biết ơn và kính trọng, trong dịp này cũng có quà biếu người trên và những
người đã giúp mình.
Qua những điều biết về các cổ tục lễ Tết trên, ta thấy rằng dân tộc Việt
Nam ta rất biết ơn biết nghĩa cho nên sự giao thiệp giữa mọi người bao giờ
cũng tốt đẹp.
o
Một vài câu cuyện về Tết mùng năm
Đã viết về Tết mồng năm tưởng không nên bỏ qua một vài câu chuyện
thường được kể truyền khẩu trong dân chúng về Tết này để thấy phần nào
quan niệm của cha ông xưa.
"Len lét như rắn mồng năm"
Ta hằng để ý, ngày mồng năm tháng Năm không ai gặp rắn, và trong
ngày hôm đó loài rắn như sợ sệt len lét chỉ tìm cách đi trốn. Bỏi vậy ta có câu
“len lét như rắn mồng năm”. Theo quan niệm cũ, ngày mồng năm loài rắn sợ
hãi, vì ngày hôm đó các em đều đeo “bùa tui bùa túi”, và những túm “bùa”
này đều có viên hồng hoàng. Chất hồng hoàng thường rắn kỵ, nên rắn tìm
đường ẩn trốn.
Rắn ẩn trốn không phải riêng gì ngày mồng năm tháng Năm mà từ trước
bữa đó và cả sau bữa đó mấy ngày nữa, suốt trong thời gian trẻ em còn đeo
“bùa hồng hoàng”. Rắn chỉ xuất hiện khi không ngửi thấy mùi vị hồng hoàng.
Sự tích con thằn lằn
Thằn lằn cũng là một loại bò sát, thường bò ở các bờ dậu, bờ tường. Thằn
lằn hiền lành, thấy người thường sợ. Thằn lằn cũng sợ hồng hoàng như các
loại rắn khác, ngày mồng năm tháng Năm cũng đi ẩn trốn.
Sự tích con thằn lằn như sau:
Xưa có một người con nhà giàu, tính tình hào phóng. Khi cha mẹ mất, sẵn
tiền để lại, anh ta ăn tiêu thái quá đến nỗi khánh kiệt cả gia sản, phải vay
mượn nhiều người nên mang công mắc nợ rất nhiều, không lấy tiền đâu trả
cho được.