48
Tìm hiểu phong tục Việt Nam qua Nếp cũ gia đình và Lễ - Tết – Hội hè
Tác giả: Toan Ánh – Nhà xuất bản Trẻ
bé phải chịu phần đóng góp vào hàng ngõ hay hàng xóm cũng như được
hưởng những quyền lợi của một người trong ngõ hoặc trong xóm.
Có nhiều trường hợp, đã vào hàng ngõ ở ngõ mình cho con rồi, bố
mẹ đứa trẻ lại vào cả hàng xóm cho nó nữa. Đây là những xóm lớn có
nhiều ngõ.
Vào hàng ngõ, hàng xóm xong, bố mẹ lại phải vào cả hàng Giáp cho
con. Bố mẹ phải sửa lễ tới ông Thủ chỉ Giáp nhờ ông làm lễ tại miếu
Giáp. Sau đó, ông Thủ chỉ Giáp ghi tên đứa bé vào sổ hàng Giáp.
Cũng như ở hàng ngõ và hàng xóm, khi đã vào hàng Giáp đứa bé
được hưởng quyền lợi của một người trong Giáp và phải chịu những sự
đóng góp vào hàng Giáp.
o
Vào làng
Sống ở làng, sang ở nước, đã sinh ra ở làng phải vào làng. Có nhiều
người cư trú tại một nơi nào, có thể vào hàng ngõ, hàng xóm và cả hàng
Giáp ở nơi đó được, nhưng không được nơi đây nhận vào làng, nếu
không đủ một vài điều kiện, nhất là về điều kiện niên gian cư trú và tài
sản.
Có làng, như làng Thị Cầu, Bắc Ninh, dân biệt xã cư trú tại làng, muốn
nhập tịch dân làng, phải ít nhất có tổ tiên ba đời đẻ tại làng này và đã
chịu đóng góp theo những điều lệ phu phen tạp dịch trong làng; Lại có
làng như làng Hướng Dương Hà Đông muốn nhập tịch dân làng, không
cần phải có tổ tiên cư ngụ tới ba đời, mà chỉ cần có tài sản ở trong làng,
tài sản đây là ruộng đất.
Vào làng là một điều quan trọng trong cuộc sống nơi đồng quê.
Bởi vậy, mỗi đứa trẻ con trai sinh ra, sau khi đã vào họ, vào hàng ngõ,
hàng xóm và hàng Giáp, bố mẹ phải xin cho con vào làng. Con gái không
cần vào làng, nhưng có nhiều cha mẹ, khi sinh con dù trai hay gái đều
có làm lễ cáo đức Thành Hoàng tại đình làng.
Muốn vào làng, bố mẹ đứa trẻ phải có trầu cau sửa lễ tại đình làng,
rồi lại có trà lá riêng cho ông Tiên chỉ hoặc lý trưởng để ghi vào sổ làng.