201
Tinh thần trọng nghĩa phương Đông
Tấn Văn Công sau khi bình định trong nước liền ân thưởng
cho tất cả những người có công phục quốc.
Ban thưởng xong, Văn Công lại yết chiếu ở cửa thành rằng:
- Nếu người nào có công chưa được ban thưởng được phép
tự nói ra.
Tất cả bọn bầy tôi tòng vong khi trước đều được phong
thưởng, duy có Giới Tử Thôi là người tánh khí điềm đạm, từ
khi ở bên sông Hoàng Hà thấy bọn Hồ Yển khoe công đã lấy
làm khinh bỉ không muốn đồng triều với họ. Đến lúc vua Tấn
lên ngôi, Giới Tử Thôi chỉ vào chúc mừng một lần đầu, rồi
cáo ốm về nhà, yên phận nghèo khổ, đi khâu giày kiếm ăn.
Khi Tấn Văn Công ban thưởng các công thần, không thấy
Giới Tử Thôi, cũng quên đi mất, chẳng hỏi chi đến.
Bấy giờ ở láng giềng nhà Giới Tử Thôi có một người tên
Giải Trương thấy Tử Thôi có công theo vua không được
thưởng, lại thấy nhà vua yết bảng những người có công chưa
được thưởng được phép tự nói ra, liền tới báo tin ấy cho Tử
Thôi biết, Tử Thôi chỉ mỉm cười không nói gì.
Giới mẫu lúc ấy ở bếp, nghe tiếng, bảo con rằng:
- Con khó nhọc trong 19 năm trời theo chúa công lánh
nạn, lại đã từng cắt thịt đùi dâng chúa công, sao bây giờ con
không nói ra lấy thưởng, chẳng hơn chịu khổ đi khâu giày
thuê hay sao?
Giới Tử Thôi đáp lời mẹ:
- Tiên Vương có cả thảy chín người con, chỉ có chúa công
là hiền hơn cả, vậy nên trời dành ngôi nước Tấn cho chúa
công. Các người theo hầu không biết ý trời, dám tự nhận là
công mình, con nghĩ xấu hổ lắm, chẳng thà đi khâu giày mà
ăn còn hơn.
Giới mẫu lại bảo:
- Con dẫu không muốn làm quan, nhưng cũng nên vào yết
kiến một lần để khỏi uổng cái công lao cắt thịt đùi ngày trước.