21
Tiết tháo một thời
đối với bọn mượn sách để mà mượn, cầm quyển sách không
phải để đọc, chỉ cốt làm ra bộ ta đây hiểu sách, cụ chúa ghét.
Hạng ấy cầm đến sách chỉ làm cho thẹn sách. Đối với bọn
này, bao giờ cụ cũng từ chối. Cụ thường bảo: “Các ngài đọc
truyện quốc ngữ nó dễ hiểu hơn, sách nho khó xem lắm”.
Có một hôm, một ông Phán ở tỉnh về chơi làng Xuân Mỹ,
được một người bà con đưa đến thăm cụ. Mới gặp ông Phán
này cụ đã không ưa, nhưng chẳng lẽ người ta có nhã ý đến
thăm mình, mình lại không tiếp chẳng hóa ra bất lịch sự hay
sao. Nói chuyện đến tủ sách của cụ, ông Phán tỏ ý rất thích;
lúc ra về, ông hỏi mượn cụ vài quyển về Sử ký Việt Nam và
Trung Quốc. Cụ ngần ngại, nhưng cũng cho ông mượn; cụ
chỉ khẩn khoản ông giữ gìn cẩn thận và dùng xong mang trả
cụ ngay để cho người khác xem. Khi nói chuyện với một ông
đồ về ông Phán, cụ nói: “Họ tưởng đọc sách nho của mình
cũng dễ như ăn cơm, như nịnh hót lũ quan thầy áo ngắn của
nhà họ đấy. Rồi cụ xem, hắn cầm sách về để mà cầm, chứ
khi hắn mang trả sách giá ta hỏi trong nói những gì, đố hắn
biết. Cái đồ “thính thư như tùng, vọng tự như manh” thấy
người ta đọc sách cũng đòi đọc sách. Rõ thật “thuyền đua
thì lái cũng đua”.
Cụ Tú sở dĩ đối với bọn tây học có ác cảm như thế, là vì
cụ cũng giống các bạn cổ nho của cụ. Cứ kể, nếu cụ muốn,
có lẽ to ra cũng như ông Án, ông Tuần, mà nhỏ ra thì cũng
phải Ký Lục, Thừa Phái rồi, nhưng cụ phải đâu là người muốn
ngôi cao bổng nhiều, muốn cơm no áo ấm. Cụ là người thấy
thời cuộc đổi thay cũng muốn cố giữ lại cái gì về thời trước.
Cái gì đây nó là những chồng sách cũ.
Cụ Tú ngày nay không còn nữa. Con trai cụ, ông cả Kỳ, vì
tuân lời cha, nên đã mang cả tủ sách của cụ gởi tặng trường
Bác Cổ Viễn Đông.
Hà Nội, 29-12-48