Toan Ánh
78
Tần Hoãn, Tần Hoãn đã rời khỏi Lâm Tri từ mấy ngày. Hoàn
Công ốm ít lâu rồi mất.
Mỗi khi kể xong câu chuyện Tần Hoãn, ông thường kết
luận: “Làm thuốc là một nghề cứu dân độ thế, phải dày công
nghiên cứu mới đến được chỗ tinh vi. Kẻ làm thuốc tầm
thường, nhiều khi chữa bệnh chỉ làm tăng bệnh. Người làm
thuốc phải luôn luôn học hỏi, không bao giờ cho mình là biết
hết được nghề mới mong không giết oan con bệnh bằng dao
cầu và ô thuốc của mình”.
Đúng như lời ông nói, ông lang Ngọc luôn luôn sưu tầm về
thuốc, không bộ sách thuốc nào ông bỏ qua. Ông đã nghiên
cứu hết những sách của Lãn Ông và ông cũng đã đọc nhiều
sách khác của các danh y Hoa - Việt.
Đối với những con bệnh bao giờ ông cũng hết lòng săn sóc,
dù con bệnh đó giàu hay nghèo. Ai có tiền thì ông lấy tiền,
ai không có tiền thì ông chữa giúp, ông thường nói: “Đồng
bào mình đang khổ sở vì ngoại tộc đè nén, mình có bổn phận
làm nhẹ bớt một phần nào nỗi cơ cực ấy. Tôi muốn giúp đỡ
đồng bào rất nhiều, nhưng sức tôi có hạn, tôi đành mang nghề
nghiệp ra cứu giúp được người nào hay người ấy”.
Ngoài thì giờ chữa bệnh và nghiên cứu sách thuốc, ông
lang Ngọc chỉ giao du với mấy cụ đồ, cụ tú trong làng là
những người cũng như ông đang đau lòng về thời cuộc. Gặp
các cụ, cùng nhau nói mấy câu tâm sự để hiểu nhau, đó là
những giờ phút đáng quý nhất của các cụ. Các cụ không thể
một lúc đánh đuổi ngay được người Pháp, các cụ đành ôm
ấp cái mộng một ngày kia gây được một phong trào, có một
lực lượng để đương đầu cùng giặc. Giờ đây mặc cho ai cam
tâm đi luồn giặc, các cụ phải giữ lấy tiết tháo của mình để
nêu gương cho con cháu.
30-11-1956