240
Tín ngưỡng Việt Nam – Quyển thượng
Tác giả: Toan Ánh
Nhà xuấ tbản: Trẻ
cho bà một số tiền để lo việc hương đăng cho am.
Cúng bách linh
Hằng năm về kỳ ba tháng hè, vào những ngày rằm mồng một tại am có
nấu cháo cúng, cháo được đổ vào những lá đa xếp thành bồ đài, cài vào
những chiếc que cắm hai bên dọc đường. cùng với những bồ đài cháo, từng
quãng từng quãng lại có cắm một vài nén hương. Lễ cúng này gọi là cúng
bách linh nghĩa là cúng những vong hồn vô thừa nhận. Theo tín ngưỡng của
ta thì những vong hồn này trong những lễ cúng bách linh sẽ cùng nhau tranh
cướp những bồ đài cháo. Do đó ta có câu “cướp cháo thí lá đa” là nói những
người vô hậu không ai cúng giỗ phải đợi cúng tại am chúng sinh để tới
hưởng cháo thí.
Muốn có tiền gạo để cúng cháo bách linh, bà vãi giữ Am thường bày một
chiếc nong ra cạnh đường đi, đốt vài nén hương để khách qua lại ai có lòng
tốt bố thí cho những cô hồn thì tùy tâm cho tiền cho gạo. Bà vãi ngồi ở trong
am đánh trống kể kệ hoặc là cùng năm bà vãi trong làng cùng làm lễ chèo
đò, nghĩa là chèo đò cho những vong hồn đi từ phong đô tức là cõi âm qua
sông Nại Hà, một con sông nơi âm phủ có rất nhiều thủy quái để trở về
dương thế hưởng lễ bách linh.
Đàn chay
Có nhiều nơi, mỗi năm về tháng bảy, tại am chúng sinh có lập đàn tràng
để làm chay cúng luôn mấy ngày, có tụng kinh niệm phật cho các cô hồn
chúng sinh.
Trong lễ làm chay, trước hết có một nhà sư cầm gậy cầm xích dẫn theo
năm bảy bà vãi cầm phướn và mấy ưu bà sa đánh trống, khua thanh la đi
khắp bãi tha ma để rước các vong hồn vô hậu về đàn.
Đàn tràng được thiết lập làm ba tầng:
-
Tầng trên cùng cúng phật;
-
Tầng thứ hai cúng bách linh tức là các cô hồn;
-
Tầng thứ ba ở ngoài là vàng mã
Cúng phật thì dùng oản, cúng bách linh cũng dùng oản quả và có thể
cúng thêm đồ mặn như lợn gà v.v...
Ngày hôm đầu trong buổi lễ làm chay là phải tụng kinh suốt ngày để cầu
nguyện cho chúng sinh được siêu sinh tịnh độ.