Tiệp cười nói : « Chị cứ nhìn em thì rỏ. Thật ra em cũng không vất-vả
đâu ! Mình làm việc cho mình và cho chồng thì sao lại gọi là vất-vả được.
Còn chị, chắc chị không bận như em ».
Thảo không đáp. Nàng nghĩ tới lời Tiệp nói. Làm việc cho mình sao lại
gọi là vất-vả. Chắc là Tiệp phải sung-sướng, Khoan tuy nghèo nhưng người
đứng-đắn và có đạo-đức, biết thương vợ, và như vậy Tiệp đâu có khổ !
Thảo ngắm nhìn Tiệp. Nước da Tiệp tuy có sạm đen đi vì làm-lụng
nhiều, nhưng trông nàng xinh ra, xinh hơn hồi con gái.
Tiệp thấy Thảo nhìn mình một cách quá kỹ-lưỡng, tự nhiên nàng thấy
ngượng. Nàng nói một câu bâng-quơ : « Trời lạnh quá chị nhỉ ? »
- Trời lạnh thật !
Thảo mặc đủ áo bông áo kép cũng vẫn thấy lạnh. Tiệp cũng mặc áo ấm,
nhưng so với y-phục của Thảo thì kém nhiều.
Rồi Tiệp lại bảo Thảo : « Chiếc áo bông của chị đẹp quá nhỉ ! Chắc
phải đắt tiền ».
Chiếc áo bông của Thảo là một chiếc áo bông ngắn trong lót lụa xanh,
ngoài bằng cẩm-nhung đen. Áo bông mặc chùm ngoài áo dài để giữ hơi ấm.
Thảo chìa vạt áo cho Tiệp xem và nói : « Em cũng không biết đắt rẻ thế
nào ! Cẩm-nhung này, thày em gửi mua ở Hà-Nội. Nhà em may áo dài còn
thừa, may cho em chiếc áo bông này ».
Cảnh Thảo thật là phong-lưu sung-túc. Chắc-chắn nàng không phải
chân lấm tay bùn lam-lũ như Tiệp. So-sánh cảnh mình với Thảo, Tiệp thấy
về vật-chất Thảo hơn nàng.
Hai người đang cùng đứng, bỗng nhiên Tiệp vội-vã từ giã Thảo :
« Thôi chào chị em phải đi chợ mua rau lợn kẻo muộn ».
Sự thật Tiệp không sợ muộn, nhưng Tiệp thấy hơi thèn-thẹn trong lòng
vì tự-nhiên nàng lại so-sánh như vậy ! Nếu nàng muốn sự sung-sướng vật-
chất của Thảo thì trước đây có khó gì ! Nàng đã yêu Khoan và đã từ chối