Tiên đoán trước một ngày Thúc sẽ trở nên lả lơi với nàng, như khi nàng
còn con gái Thúc đã chọc-ghẹo nàng ở bờ sông, Tiệp hết sức lẩn tránh Thúc.
Nhưng người cùng trong làng, sự lẫn tránh thành rất khó-khăn.
Rồi việc phải xẩy ra đã xẩy ra.
Hôm đó, vào một buổi trưa. Như thường lệ, Tiệp cho con bú, đặt đứa bé
ngủ trong giường, tã lót quần cẩn thận rồi nàng đi thăm đồng, mang cơm
nước cho người làm. Nàng nhờ mẹ chồng coi chừng hộ con : « Đẻ để ý đến
cháu hộ con nhé. Con mang cơm ra đồng một lát con về ngay ».
Mẹ chồng nàng cũng bận, nhưng bà cụ cũng như mọi ngày vừa làm
việc vừa để ý tới đứa bé, khi nào nó khóc, bà cụ chạy vào vỗ về nó vài cái,
nó nín bà cụ lại bỏ ra làm việc của mình.
Ra đến đồng, bọn người nhà cũng vừa nghỉ-ngơi dưới gốc cây đa lớn.
Trời nắng. Hơi nắng ở cánh đồng bốc lên. Bốn bề yên lặng. Một vài
bọn thợ đồng ngồi uể-oải dưới một vài gốc cây. Có bọn đang ăn, có bọn còn
chờ cơm người nhà mang tới, và có bọn ăn xong rồi nằm nghỉ dưới bóng
cây, hoặc một vài người đang hút chiếc điếu cây reo lóc-sóc, và thở làn khói
trắng bốc ra.
Tiệp đưa cơm cho mấy người nhà ăn, chờ họ ăn xong lại mang bát đũa
về. Nàng lân la trò-truyện với một vài người thợ đang nghỉ-ngơi quanh đấy.
Bọn thợ rất quý Tiệp. Tính nàng vui-vẻ nhẹ-nhàng và nhất là không bao
giờ lên mặt kênh-kiệu với anh chị em chân lấm tay bùn. Ai cũng khen nàng
có đức.
Họ bảo nhau : « Chị Khoan đã xinh đẹp lại nhũn nhặn. Thật đáng mến.
Lấy chồng nghèo mà chị ấy đẹp ra. Thật là được cả người lẫn nết. Chẳng bù
với mấy cô ả khác đã xấu lại hợm-hĩnh kiêu-căng ».
Thấy Tiệp ra tới đồng, hôm nào bọn họ cũng thi nhau chào hỏi :
- Kìa chị Khoan đã ra.
- Chào chị, trông chị càng ngày càng đẹp !