tôi tưởng chị lấy ai ? Chị đi lấy một anh nghèo xác nghèo xơ, sống bữa hôm
lo bữa mai. Tôi thương yêu chị lắm… »
- Anh đừng có giở cái giọng ấy ra ! Anh tưởng anh lấy tiền tài quyến-rũ
tôi nổi hay sao ? Tư-cách của anh đáng khinh lắm. Tìm cách tròng-ghẹo vợ
bạn, tôi không ngờ anh lại kém nhân-phẩm đến bực ấy.
Đáng lẽ những lời nói ấy phải làm cho Thúc cáu-kỉnh mới phải, nhưng
Thúc vẫn bình-tĩnh. Chàng bảo Tiệp : « Chị không nên nói thế. Nhân-phẩm
tôi có làm sao cũng là vì chị, chị không hiểu mối yêu tha-thiết của tôi đối với
chị, tôi vẫn muốn gần chị. Chị nên rõ lòng tôi ».
Tiệp không nghe lời Thúc nói nữa. Nàng cố tiến lên, nhưng Thúc vẫn
cứ cản đường. Bực mình Tiệp phát gắt : « Anh tránh cho tôi đi. Con tôi đợi
tôi ở nhà. Anh định làm cái truyện gì mà cản đường tôi ? »
- Tôi chẳng định làm gì cả. Tôi chỉ muốn chị hiểu lòng tôi.
Tiệp không nói, vùng-vằng bước lên. Thúc vẫn cản đường.
Vừa lúc ấy ở dưới đồng có vài người đi tới và ở trong làng cũng có mấy
người đi ra.
Sợ những người này hiểu lầm mình, phao lên những điều không tốt có
hại cho mình và phiền lòng Khoan. Tiệp phải phân-bua với mọi người :
« Các ông bà xem, anh Thúc có vô lý không ? Tôi là gái có chồng có con,
anh ấy là trai có vợ. Vậy mà anh cứ đón đường tròng ghẹo tôi ».
Rồi nàng quay lại nói với Thúc trước mặt mọi người : « Tôi xin anh giữ
liêm-sỉ một chút. Tôi là vợ bạn anh, anh không nên giở trò khốn-nạn ra với
tôi. Anh để cho tôi đi, anh cứ cản đường tôi là làm sao ? »
Mấy người làng không ai nói gì. Người ta sợ oai-thế ông Chánh-Tổng.
Người ta chỉ nhìn Thúc rồi lại nhìn Tiệp.
Xưa nay người ta vẫn hiểu Thúc có ý tà-tâm đối với Tiệp, và thái-độ
của Tiệp là một thái-độ đứng-đắn, nên Thúc chưa thể làm điều càn-dỡ.
Truyện Thúc hỏi Tiệp không được, cả làng ai còn lạ.