Năm ấy Thúc hai mươi hai tuổi. Theo tục-lệ hương-thôn cũng như theo
luật-lệ muốn làm lý trưởng ít nhất phải trên hai mươi mốt tuổi, cũng như
muốn ứng-cử Chánh Phó Tổng phải hai mươi nhăm tuổi trở lên.
Thúc đã đủ điều-kiện niên-kỷ để ứng-cử chân lý trưởng trong làng.
Chính Thúc cũng muốn có chút công-danh để khỏi bị dân làng coi
thường. Học-hành chàng đành chịu kém, nhưng về đường danh-vọng trong
làng, chàng không muốn thua ai.
Ông bà Chánh-Tổng đã gây cho chàng cái óc làm đàn-anh trong xã.
Đã từ lâu, Thúc vẫn nghĩ tới một ngày kia chàng sẽ nắm giữ một chức-
vụ gì trong làng xã, và có như thế chàng mới mong trả được cái thù Tiệp
nhục-mạ chàng.
Có lần trong xã khuyết chân thư-ký hộ tịch, Thúc đã có ý muốn ứng cử
chân đó, nhưng ông Chánh Tổng bảo chàng : « Đã làm việc dân việc xã,
phải làm những chức-vụ ra làm, bằng không hay tạm giữ chân bạch-đinh
chờ cơ-hội. Làm chân thư-ký hộ-tịch làm làm gì, ít ra cũng phải là một chân
Phó-lý, Trương-tuần, nếu không phải từ chân lý-trưởng trở lên ».
Thế là Thúc lại tuân lời cha chờ cơ-hội, và cũng âm-thầm mang mối
hận đối với vợ chồng Khoan. Thúc đã nghĩ đến nhiều cách để hại Khoan và
Tiệp nhưng chưa có dịp nào thuận-tiện.
Thời gian lững-lờ trôi. Ngày qua tháng lại tuy chậm mà mau.
Ông đồ Ngư chết đã đoạn tang, và ngoảnh đi ngoảnh lại, Tiệp có một
con, rồi có hai. Trông nàng vẫn duyên-dáng khả-ái như ngày còn con gái vì
dáng-điệu đi đứng của nàng ai cũng phải khen, chính Thúc đã ngậm đắng
nuốt cay vì nàng, và khi gặp nàng vẫn thấy ở nàng một sự quyến-rũ khêu-
gợi lạ-lùng.
Gặp Tiệp bây giờ Thúc không dám chào hỏi săn-đón như xưa, chàng
chỉ lẳng lặng nhìn theo. Còn về phần Tiệp bao giờ nàng cũng cố tránh mặt
Thúc, nàng không muốn nhắc lại truyện không đẹp trước, nhất là không
muốn truyện đó xảy ra lần thứ hai.