ngôn-ngữ cũng như về hành-động. Con sẽ tỏ ra xứng đáng một bậc đàn-anh
trong làng trong xã ».
Ông Chánh-Tổng gật-gù có vẻ bằng lòng. Ông cũng hiểu đây là dịp
may để cho con ông có chút công-danh. Mà kỳ này có ra tranh lý-trưởng sự
tranh-cử cũng không gay-go lắm. Ông lý mãn làm việc đã không được lòng
quan nên kỳ này quan đã bảo thẳng ông đừng ứng-cử nữa. Còn Phó-lý thì
không có tiền đâu mà ra tranh-chấp với Thúc nổi.
Ông Chánh-Tổng bảo Thúc : « Ờ ! nếu con có chí thày sẽ kêu với quan
trên. Con liệu thu xếp mọi giấy tờ hồ-sơ ứng cử đi. Thày rất muốn con nối
được nghiệp thày ».
Thúc mừng lắm ! Thúc chưa quên mối hận đối với Tiệp nhất là đối với
Khoan. Ra làm lý-trưởng, Thúc sẽ có cơ-hội trả được thù riêng, và thâm-tâm
của Thúc còn mong một ngày kia chiếm đoạt được Tiệp, mặc dầu Tiệp đã
hai con.
Tuy sống bên cạnh Thảo, nhưng Thúc luôn luôn ao-ước Tiệp. Mấy năm
qua cuộc chung sống bên cạnh Thảo không làm cho Thúc quên Tiệp.
Trông Thảo cũng đẹp ra, nhưng nhìn nàng vẫn không bằng vợ Khoan.
Thúc vẫn mang cái mộng một ngày kia sẽ làm hại được Khoan, và lúc đó lo
gì Tiệp không phải chịu chàng. Thúc muốn làm lý-trưởng để trở nên đàn-anh
trong làng, điều đó đã hẳn, nhưng cũng là để dễ trả mối thù bị Tiệp sỉ-nhục
trước mặt mấy người làng.
Ông Chánh-Tổng đã đồng-ý để Thúc ra ứng-cử chân lý-trưởng khuyết.
Thúc lo lập hồ-sơ, và trong khi đó, ông Chánh-Tổng lo vận-động với
huyện, với dinh Tổng-đốc để việc ứng-cử của Thúc có kết-quả.
Lẽ tất nhiên là phải tốn tiền rồi. Làm đàn-anh chẳng thủng xanh cũng
thủng nồi, phương-ngôn đã nói, sai sao được.
Muốn con làm lý-trưởng lại không chịu tốn-kém đời nào con làm lý-
trưởng nổi.