Vận-động với quan trên xong, lại còn vận-động với dân làng. Có phải
đâu chỉ có một mình Thúc ứng-cử.
Phó-lý xã Kim-Đôi cũng muốn chân nhất lý chi trưởng, và lại còn ông
lý cựu cũng xin tái-cử.
Ngoài ra lại vài ba người làng khác cũng thọc đơn để kiếm-chác chút
bổng còm. Họ bảo nhau : « Nhà ông Chánh Tổng thiếu gì tiền ! Anh em
mình cứ việc nộp đơn ứng-cử, thế nào cha con ông chẳng tới điều đình, và
thế nào chẳng có chút tiền lẻ ».
Sau rất nhiều thể-thức, lên quan, ra tỉnh, lại về làng, tới ngày bầu-cử.
Thúc đã được trúng cử.
Ông bà Chánh-Tổng tuy tốn-kém, nhưng con được chút công-danh ông
bà cũng mừng.
Bữa tiệc khao lý-trưởng của Thúc thật linh-đình long-trọng, mời cả
hàng xã trong Tổng.
Thật là một vinh-dự cho Thúc.
Thúc hãnh-diện với dân xã, và Thúc nghĩ ngay tới mối-hận vẫn chịu lâu
nay với vợ chồng Khoan.
X
Thúc tỏ ra là một hương-chức rất mẫn-cán, làm việc quan việc dân rất
đàng-hoàng.
Đêm ngày Thúc lo sao để được lòng quan trên. Chàng chịu khó lắm, từ
việc tuần-phòng trong làng đến việc thu sưu-thuế của dân.
Thúc năng lên quan luôn, lân-la gần bọn thơ lại trong huyện, rồi tìm
cách biếu-xén từ tên lính hầu quan đến mấy anh nho trong bàn giấy. Thúc
tìm cách mua chuộc hết mọi người không tiếc tiền biếu xén vào những dịp
ngày tư ngày tết.
Quan huyện có ý mến Thúc và tin Thúc. Gia-dĩ, ông Chánh-Tổng còn
đó, mọi sự giao-thiệp của ông từ trước tới giờ đều có lợi cho Thúc ngày nay.