Thảo cũng thấy sung-sướng có chồng làm nên và trời cũng chiều
người, lấy chồng mấy năm không sinh nỡ, thì cùng với việc Thúc đắc-cử lý-
trưởng xong, Thảo cũng thấy tin mừng.
Có tin mừng, Thảo mừng lắm. Đã bao lâu nay, nàng chờ đợi một đứa
con, nay đứa con đó sắp tới với nàng. Đứa con như một sợi giây thiêng-liêng
buộc giữ Thúc gần nàng.
Trước đây, mỗi khi đi chơi bời, bị vợ kỳ-kèo Thúc đều lấy cớ con cái
chậm, buồn-bã phải đi tiêu sầu. Ngày nay với đứa con, Thảo có thể dễ nói
Thúc hơn mỗi khi Thúc nhãng quên bổn-phận làm chồng.
Thảo mừng, Thúc cũng mừng, nhưng mừng nhất có lẽ là ông bà Chánh-
Tổng. Cưới nàng dâu về, ông bà chờ đợi cháu bồng, vậy mà ngày ấy qua
ngày khác, thấm-thoát đã mấy năm vợ Thúc cứ đực ra không sinh đẻ gì. Bà
Chánh-Tổng buồn, đã có ý muốn cưới thêm vợ bé cho Thúc. Ý-định của bà
tuy chưa nói với con và dâu, nhưng bà đã bàn với chồng. Ông Chánh-Tổng
không bày tỏ ý-kiến. Ông chỉ bảo hãy cho Thúc có chút công-danh sē hay.
Thúc đã có công-danh, vợ Thúc cũng lại có tin mừng, ông bà Chánh-
Tổng vui-sướng quá. Thật là đủ danh-giá tiền-bạc và rồi đây hòe quế sẽ đầy
sân, cây non nẩy lộc, hạnh-phúc nào sánh bằng !
Có tin mừng Thảo cũng đẹp thêm.
Làng nước có người bàn-tán : « Bà lý Thúc thật vạn sự may-mắn.
Chồng làm đàn-anh, vợ có tin mừng, trông càng béo đẹp ra ».
Những người trước đây chê Thúc về truyện chàng tỏ ra bất chánh với
Tiệp, vừa là vợ của bạn lại vừa là con của thày học, bây giờ không ai còn
dám nhắc tới việc cũ đó. Gặp vợ chồng lý Thúc đi đâu người ta len-lét sợ và
khép-nép chào. Ai dại gì chống với người thịnh.
Lý Thúc càng hách-dịch dân làng càng nể sợ.
Ông Chánh-Tổng thấy con biết ra oai với dân xã thì bằng lòng lắm.
Như thế mới biết làm đàn-anh.