Chiếc sào đã giữ chắc con thuyền. Khách đi thuyền người một bước lên
bờ. Trong số khách qua sông có Tiệp với đôi quang gánh đã nhẹ không. Nếu
ai tò mò nhìn vào đôi thúng của nàng thì chỉ thấy mấy mớ dưa, vài xâu bánh
phòng cho con trẻ.
Tiệp bước chân lên bờ. Nàng chưa kịp để ý tới những ai đứng quanh bờ
sông, bỗng có tiếng gọi : « Chị Tiệp đi chợ về đấy à ? »
Tiệp ngoảnh lại thì đấy là Niệm, một cô bạn cùng xóm với nàng và
trước cũng đã có theo học ông đồ Ngư.
- Vâng, em hôm nay đi chợ Nếnh bán gánh gạo lấy tiền mua rau.
Chợ Nếnh tức là một chợ nhỏ thuộc làng Nội-Ninh, huyện Việt-Yên,
tỉnh Bắc-Giang, bên kia sông, ở không cách xa làng Kim-Đôi bao nhiêu.
Tiệp lại hỏi Niệm : « Chị làm gì ở bên sông đấy ? »
Niệm đáp : « Em giặt ít quần áo. Em cứ tưởng hôm nay ở nhà thầy có
cuộc bình văn làm câu đối chị cũng ở nhà dự như mọi tháng. Mọi tháng thầy
em vẫn bảo em đến nghe và thỉnh thoảng góp vài vế câu đối cho đỡ quên,
nhưng hôm nay đẻ em bảo em đi bán gạo. Chính thày em lần này cũng bảo
em đi chợ. Con gái dự được buổi bình văn nào hay buổi ấy, không dự cũng
không sao ».
Hàng tháng, vào kỳ đầu tháng, tại lớp học của ông đồ Ngư có cuộc bình
văn và thi câu đối giữa các học-trò. Những ngày này có nhiều học-trò cũ xin
được tới dự nghe để thưởng-thức những bài văn, những thơ phú của học trò
đang học. Và mọi kỳ, Tiệp vẫn dự nghe để thưởng-thức những bài văn,
những vế câu đối của các bạn học, nhất là của Khoan. Mỗi khi bài của
Khoan được ngợi khen Tiệp thấy sung-sướng như chính mình đã làm bài
văn đó, chính mình đã đối về câu đối đó.
Tháng này Tiệp vẫn muốn dự cuộc bình văn, nhưng mẹ nàng bảo nàng
đi chợ, và hình như ông đồ cũng không muốn nàng dự vào các cuộc bình
văn thơ này nữa.