Làm con nàng chỉ biết tuân theo lời cha mẹ, dù nàng muốn hay không.
Vâng lời cha mẹ là điều đầu tiên trong đạo tam-tòng. Nàng cũng không hiểu
tại sao cha mẹ nàng lại không muốn nàng tham dự buổi bình văn. Hay là…
nàng không dám nghĩ tới.
Nàng chào Niệm rồi quảy quang gánh đi lên bờ đê. Niệm nhìn theo rồi
tấm tắc khen : « Trông chị dạo này đẹp quá ! »
Tiệp quay lại nhìn Niệm rồi cười như cảm ơn.
Tiệp cũng biết mình đang tuổi xinh đẹp, nhan-sắc đang lộng-lẫy, và
ngoài Khoan ra, rất nhiều chàng trai trong làng cũng như ngoài xã để ý tới
nàng. Nàng không có cao vọng gì xa xôi, nàng chỉ mong nếu duyên trời đưa
lại, được cùng Khoan chấp mối chỉ hồng. Mong là mong vậy, nhưng còn tùy
số mệnh cũng như còn tùy song thân nàng. Con gái đâu có quyền kén cá
chọn canh. Lời xưa có câu : cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy. Nàng là con nhà lễ
giáo, bao giờ sai được lời xưa.
Tiệp đi lên đường đê, Niệm tiếp-tục giặt quần áo trong khi con thuyền
nan cũng đang rời bến với vài khách qua sông.
Một thôn nữ khác cũng đang giặt bên sông. Từ nãy giờ nàng không nói
gì, bỗng hỏi Niệm : « Chị có biết tại sao chị Tiệp không ở nhà nghe bình văn
như mọi tháng ? »
- Nào em biết được ! Chắc chị ấy phải đi chợ như chị ấy vừa nói chứ gì.
- Không phải đâu, em biết !
- Chị biết sao ?
- Hình như ông Chánh-Tổng có ngỏ ý với ông đồ để xin chị Tiệp cho
anh Thúc thì phải. Nghe đâu anh Thúc mê chị Tiệp lắm.
- Thế à ! Em không biết. Nhà ông Chánh-Tổng thông gia với nhà ông
đồ thực là môn đăng hộ đối, nhưng chẳng biết ông đồ có chịu gả chị Tiệp
cho anh Thúc không ?
- Làm gì mà không gả, ông Chánh-Tổng vừa nhà giàu lại vừa có thế
lực. Anh Thúc cũng học-hành khá, sau này thế nào chẳng có chút công-