gặp nàng nói chuyện với Thúc. Nàng rất sợ tai tiếng, và nàng cũng e Khoan
hiểu lầm tưởng nàng có tình ý gì với Thúc. Nàng ấm-ứ trả lời, muốn cho
Thúc không hỏi-han mình nữa : « Cảm ơn anh ».
Câu trả lời không đầu-đuôi này đáng lẽ chấm dứt câu chuyện nhưng
Thúc vẫn cố gợi những truyện khác.
Tiệp đi rảo cẳng thì Thúc cũng bước theo nhanh, kéo theo người bạn đi
bên cạnh. Sau cùng Tiệp phải bảo Thúc : « Xin anh đừng đi theo tôi nói
chuyện nữa kẻo có ai bắt gặp rất không tiện cho tôi ».
- Sao mà không tiện. Tôi là học-trò, cô là con thày, gặp nhau nói
chuyện có sao !
- « Nam nữ thụ thụ bất thân », anh không nhớ chăng ? Vả lại anh cứ đi
theo tôi, sao khỏi điều này tiếng khác, nếu có ai nom thấy.
- Cô cẩn-thận quá. Cô ghét tôi hay sao ?
Tiệp bực mình với những câu hỏi vô duyên của Thúc.
Nàng vùng-vằng đáp : « Sao anh ăn nói lạ vậy. Xin phép anh ; tôi phải
vội về kẻo thày mẹ tôi quở, không thể đáp chuyện mãi anh được ».
Thấy Tiệp cáu-kỉnh Thúc cười hà hà. Chàng lại nói : « Cô giận tôi
chăng ? Cô lạ-lùng nhỉ ».
Tiệp không đáp, rảo bước đi mau hơn. Thúc nói thêm : « Chỉ sợ sau
này cô không cáu-kỉnh như vậy với tôi mãi mãi được thôi. Nói thật, cô Tiệp
ạ, trông cô xinh đẹp quá ! »
Thấy Thúc đi tới chỗ sỗ-sàng. Tiệp phải nói : « Anh ăn nói hay nhỉ. Xin
anh giữ mồm giữ miệng một chút ».
Rồi nàng đi mau hơn. Thúc lại cười hà hà. Và người bạn của Thúc cũng
nói theo một câu : « Làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu !
Làm chi cô vùng-vằng vậy ».
Tiệp làm thinh đi thẳng, bỏ mặc hai chàng lẽo đẽo mỗi lúc một xa hơn.
Vừa đi Tiệp vừa nghĩ. Có năm bảy hạng học-trò thì cũng có năm bảy hạng