Nghe lời ông đồ nói, Thúc không đáp lại, chàng thừ người buồn rầu.
Ông đồ lại khuyên : « Trong làng thiếu gì con gái, xứng đôi với con.
Khoáng-đạt lên con ạ ! Con cũng nói với ông bà Chánh-Tổng là thầy rất
cảm-ơn ông bà, nhưng trước số mệnh thày làm sao dám cưỡng ».
Với bà mai ông đồ đã nói dứt-khoát hơn : « Vợ chồng tôi cám ơn ông
bà Chánh-Tổng đã có lòng yêu tới vợ chồng tôi và thương tới cháu, nhưng
chúng tôi rất tiếc phải từ chối không gả cháu cho con ông bà Chánh-Tổng,
tuổi chúng nó xung-khắc nhau ».
Việc hôn-nhân Thúc mong-mỏi không thành. Thúc chán-nản không đi
học nữa, chàng cũng chẳng buồn tới xin nghỉ để chào thày chào bạn.
Thúc buồn. Cả ngày chàng lang thang đi vơ-vẩn trong làng. Ông bà
Chánh-Tổng thấy con buồn cũng ái-ngại. Ông Chánh-Tổng bảo con : « Làng
ta thiếu gì gái đẹp, chẳng cưới đứa này thì cưới đứa khác ! Không lấy gái
làng thì lấy gái thiên-hạ. Con gái đã chết hết đâu ! »
Trưa hôm đó, Thúc vơ-vẩn đến xóm ông đồ Ngư. Vừa vào lúc tan học,
học-trò ra lần lần. Thấy các bạn Thúc muốn tránh mặt. Bỗng chàng nghe có
tiếng gọi : « Anh Thúc ! Anh sao lâu nay không đi học ? »
Thúc quay lại. Người gọi chàng là Thảo. Xưa nay Thảo đối với Thúc
rất có cảm-tình, Thảo cũng được tin Thúc xin dạm Tiệp, nhưng bị ông đồ
khước-từ, và sau đó Thúc nghỉ học, Thảo thương cho Thúc. Thúc là con nhà
danh-giá, trông mã người cũng không đến nỗi nào, và cũng là học trò giỏi
của ông đồ. Thúc sánh với Tiệp đẹp đôi, trai tài gái sắc, hộ đối môn đăng.
Phải chi Thúc là con nhà bố cu mẹ đĩ thì chẳng nói, đàng này cũng con ông
cháu cha, cũng người làng người nước, lại là học trò của ông đồ. Thảo cũng
mong-manh nghe nói ông đồ bảo tuổi đôi bên xung-khắc. Dù sao, Thúc cũng
đáng thương hại.
Thúc đứng lại chờ Thảo. Thảo bảo Thúc : « Lớp học vắng anh, anh em
nhất là chúng tôi nhắc tới luôn ».
Thúc thẩn-thờ trả lời : « Tôi mặt mũi nào đi học nữa ! Cô Tiệp chê tôi,
thầy cũng không thương tôi ».