Thảo cũng duyên-dáng dịu-dàng, lại nết-na. Suốt trong thời kỳ cùng
học với nàng. Thúc thấy nàng hiền hậu. Trông Thảo cái gì chàng cũng thấy
tốt, vậy không hiểu tại sao lòng chàng không hướng về phía Thảo, lại đuổi
theo hình bóng của Tiệp. Trong sự yêu đương thật có nhiều điều lắt léo !
Người có thể yêu được, ta không yêu, ta cứ say-mê người ta không yêu
được.
Về phần Thảo, sau khi từ giã Thúc, nàng cũng thấy bần-thần trong
người. Nàng thương hại Thúc, và chính nàng cũng nghĩ giá Thúc nhờ người
đánh tiếng với cha mẹ nàng có lẽ không bao giờ nàng từ-chối. Nàng cũng đã
lớn tuổi, sắp phải nghỉ học để ở nhà giúp đỡ cha mẹ như Tiệp. Nàng tự so-
sánh nàng với Tiệp, nàng thấy cũng không thua kém gì Tiệp về phương-diện
gia-thế cũng như về phương-diện tài-sắc. Phải chi không có Tiệp, chắc là
Thúc phải để ý tới nàng. Nàng ghen với Tiệp. Trong khi Tiệp còn đi học,
nàng đã ghẻ lạnh với Tiệp vì Khoan săn-sóc tới Tiệp nhiều, nay nàng lại
thấy chỉ vì Tiệp mà Thúc không nhận thấy nhan-sắc cũng như vẻ duyên-
dáng của nàng.
Vừa đi nàng vừa vẫn-vơ nghĩ-ngợi như vậy, chẳng mấy chốc đã tới nhà.
Mấy đứa em chạy ra đón. Chúng nó reo lên : « Chị Thảo đi học về ».
Khác với mọi ngày, hôm nay nàng không trao sách cho các em cất, và
nàng cũng không bế thằng em út lên như mọi khi. Nàng thẫn-thờ nghĩ về
Thúc. Thằng em chạy theo đòi bế, nàng khẽ bảo em : « Hôm nay chị mệt chị
không bế được ».
Nàng vào trong nhà nằm cho tới bữa cơm. Mẹ hỏi, nàng đáp là hơi
nhức đầu. Tuy vậy, buổi chiều nàng lại đi học như thường. Nàng tự thấy
mình vô-lý buồn không đâu. Truyện của Thúc với Tiệp có can-dự gì tới
nàng. Nếu Thúc đau khổ đó là việc của Thúc, trừ khi nào Thúc quên được
Tiệp, điều nàng rất mong-mỏi, vì một khi đã quên Tiệp, Thúc sẽ phải để ý
tới một người khác, và người đó chắc phải là nàng.
Đến lớp học Thảo gặp Hoài. Nhìn sắc-diện của Thảo, Hoài hỏi : « Chị
Thảo làm sao mà trông người như thất sắc vậy ? »