Thảo đáp : « Buổi trưa em hơi nhức đầu, nhưng bây giờ đã đỡ ».
Rồi nàng bảo Hoài : « Lúc tan học về em gặp anh Thúc. Trông anh ấy
buồn-rầu thiểu não quá ».
- Thất vọng vì tình mà ! Cho anh ấy đáng kiếp ! Còn không biết chị
Tiệp hay sao lại định bẻ quế cung hằng.
- Chị ác quá ! Người ta đau-khổ đã không thương lại còn nói giọng
moi-móc.
- Đâu có phải tôi moi-móc. Tôi nói thật đấy. Quế cung Hằng đã dành
cho người khác rồi. Sao anh Thúc lại choi-moi vào. Hàng ngày đi học ở đây,
anh ấy không thấy sao ?
- Chị định nói gì tôi không hiểu ?
- Tôi xin chị đi, vờ-vĩnh mãi. Chị không để ý đến những cái nhìn đầu
mày cuối mắt của ai với ai sao.
- Tôi cũng thoáng thấy, nhưng chủ-trương việc nhân-duyên của chị
Tiệp đâu phải là tự ý chị ấy. Quyền gả bán là ở thày chứ.
- Đã đành vậy, nhưng nếu chị Tiệp nhất quyết không ưng, nỡ nào thày
ép buộc. Nhưng thôi, mặc chị Tiệp đấy, chúng ta bận tâm tới mà chi !
Lúc ấy Khoan cũng đã tới, và các học-trò khác cũng đã cùng nhau lục-
tục có mặt, Thảo và Hoài phải ngừng câu chuyện.
Trong lớp lại vang lên những tiếng chi, hồ, dã, giả. Hoài cũng như
Thảo, cả hai đều giở sách chăm chú xem.
Tiếng học trò ồn ào. Thỉnh thoảng lại nghe tiếng roi mây của ông đồ
Ngư vun-vút quất xuống ghế ngựa hoặc vào mông đít một cậu trò nhỏ đã
viết chữ xấu hoặc đã giảng nghĩa sai một chữ nào.
Thảo và Hoài vừa học vừa đưa mắt nhìn trộm Khoan, rồi hai người lại
cùng nhau tủm-tỉm cười.
Khoan vẫn như thường-lệ thay ông đồ để dạy lũ trẻ. Thỉnh-thoảng
chàng liếc mắt nhanh đưa nhìn ra sân, mong thoáng thấy bóng Tiệp đi qua.