Thảo nói : « Anh cứ nghĩ vậy chứ, tôi thấy nói thày so đôi tuổi, tuổi của
anh không hợp với tuổi chị Tiệp. Thày vẫn thương anh như thày thương
chúng tôi. Có bao giờ thày ghét học-trò đâu ».
- Thày không ghét ai, nhưng thày ghét tôi.
- Anh đừng buộc oan cho thày. Anh cứ đi học lại xem có phải thày vẫn
thương anh không.
Thúc trầm-ngâm không nói năng gì. Chàng nhìn Thảo, Thảo mỉm cười
rồi nói : « Thôi mai anh lại đi học đi. Chúng tôi nhớ anh lắm ! Cứ kể anh
cũng đáng thương-hại, nhưng ở đời này có phải chỉ có chị Tiệp xứng với anh
thôi đâu ».
- Cảm ơn chị an ủi tôi.
Câu chuyện tới đó, đôi người chia tay nhau. Thảo không dám rùng-rằng
nói nhiều với Thúc sợ có người trông thấy, họ đàm tiếu, còn Thúc thì muốn
lang-thang đi một mình để chìm đắm với nỗi buồn hơn.
Nỗi buồn mang-mang xâm chiếm tâm-hồn Thúc. Thúc muốn quên ngay
Tiệp, nhưng hình ảnh duyên-dáng ấy lại luôn luôn ám-ảnh trí óc chàng.
Thúc cố phân tách tại sao cuộc tình-duyên của chàng với Tiệp lại trắc-trở.
Phải chăng tại ông đồ, hay chính là Tiệp đã không thuận lập gia đình với
chàng. Nhưng tại sao Tiệp lại có điều không thuận ấy ? Vạn sự chẳng qua
chỉ do Khoan. Phải những cái nhìn đầu mày cuối mắt của đôi bên, những cái
mỉm cười kín đáo xưa nay Thúc hằng bắt gặp. Thúc nghĩ mà giận Khoan !
Thúc nghĩ mà oán Khoan ! Thúc không thể nào tha-thứ cho Khoan được ! À
ra xưa nay Khoan chỉ đạo-đức-giả để chiếm lấy lòng của Tiệp. Chính vì
Khoan mà Thúc phải thất-vọng ! Mối hận tình này Thúc quyết không quên,
và Khoan sẽ phải trả một giá xứng-đáng bởi Khoan đã là đầu mối mọi sự bất
thành cuộc nhân-duyên của Thúc với Tiệp.
Lan-man Thúc lại nghĩ đến Thảo, nghĩ đến sự ân-cần của nàng. Phải
chi Thúc được yêu Thảo, chàng sẽ không đau-đớn thất-vọng. Thảo cũng con
nhà gia thế lại giàu có. Cha Thảo tuy không là tay văn-tự nhưng có học và
được tưởng-thưởng Cửu-phẩm bá-hộ.