IX
Mấy hôm nay làng Kim-Đôi vào đám.
Nhất niên nhất lệ, làng này cũng như nhiều làng khác tại vùng quê Bắc-
Việt, tháng tám nhân dịp Thu tế thường mở hội để dân làng mua vui.
Người dân quê quanh năm bận bịu với đồng ruộng, hàng năm chỉ được
nhàn-rỗi về vụ giêng hai và tháng tám. Giêng hai ngày rộng tháng dài, lúa
chiêm đã cấy xong, việc làm mùa cũng vãn, người ta chỉ chờ ngày gặt hái.
Tháng tám lúa mùa cũng đã cấy, vụ nước lớn đã qua, người dân cũng rỗi rãi
chờ vụ gặt. Bởi vậy, các làng xã nhiều nơi mở hội vào đám trong những
tháng giêng tháng hai và tháng tám, gọi Xuân tế và Thu tế. Trong ngày hội
có tế lễ, rước xách và có nhiều trò vui để dân làng giải-trí và dân các làng
lân-cận tới mua vui.
Làng Kim-Đôi mở hội từ mồng Mười tới Mười Lăm tháng tám. Các
bô-lão, các vị chức-sắc được làm chủ-tế hoặc phụ-tế hoặc phụ-tế đều phải lo
sắm-sửa quần áo cho chỉnh-tề để dự tế. Đó là một vinh dự lớn tại nơi thôn
xã, khi ra chốn đình-trung.
Các trai làng từ 18 tuổi trở lên được cử vào chân đi rước, khiêng kiệu,
cầm cờ hoặc chơi âm-nhạc. Các chàng được cử đi rước cũng phải sắm y-
phục cho thật đẹp, thật mới, vì ngày hội có nhiều gái làng và gái thiên-hạ tới
xem rước, xem tế. Đám rước thường đi từ đình tới chùa, hoặc từ đình xã tới
đình thôn. Ban ngày thì rước tế, ban tối thì có hát chèo ngay ở sân đình, có
các cụ cầm trống thờ. Mỗi tiếng tung, cắc vào mặt trống hoặc vào thành
trống đều có ý nghĩa thưởng, phạt, và khi chi tiền hát chèo, có thêm tiền
thưởng, theo với số tung, cắc.
Ngày hội, trai gái làng nô nức đi xem, và trai gái thiên-hạ cũng kéo tới.
Đó là một thông-lệ tại đồng quê, khi làng này kéo hội người làng khác rủ
nhau tới xem, và đến khi làng khác vào đám người làng này cũng kéo nhau
đến xem lại.
Đó là những dịp duy nhất để trai gái trong làng cũng như trai gái thiên
hạ gặp nhau, đấy là những dịp duy nhất để các cô thôn nữ thoát khỏi sự kiềm