đẹp và đắt tiền. Thúc cũng để ý nhìn ra bên đường. Chàng cốt ý tìm kiếm
Tiệp trong đám các cô đi xem hội, nhưng chỉ thấy các cô gái khác, cô nào
cũng trang-điểm mỹ-lễ quần áo mới, yếm đào, giải lụa. Mắt chàng gặp mắt
Thảo. Chàng mỉm cười Thảo cũng mỉm cười theo.
Thảo chỉ cho Hoài : « Anh Thúc kia kìa ! Anh ấy đánh đàn ».
Hoài ngó theo tay Thảo chỉ. Nàng bắt gặp Thúc đang nhìn về phía mình
và Thảo. Trông Thúc sang-trọng lịch-sự lắm. Vậy mà sao, ông đồ lại từ chối
không gả Tiệp cho Thúc.
Hoài bảo Thảo : « Trông anh Thúc ăn mặc sang quá ! »
- Nhà ông Chánh-Tổng thiếu gì tiền.
Đám rước rầm-rộ đi. Hôm nay rước từ đình thôn Kim-Đôi đến chùa
làng. Theo tín-ngưỡng của dân làng, ngày hôm nay đức Thành-Hoàng tới
yết-kiến đức Phật.
Đi đầu đám rước là trống làng, một chiếc trống cái to do hai người rước
khiêng và một ông quan viên cầm dùi đánh từng tiếng một. Sau đó là mấy
thanh niên thập bát vác cờ đuôi theo ngũ hành, màu sặc-sỡ xanh, đỏ, trắng,
tím, vàng. Những lá cờ phấp-phới bay trước gió như mừng nền thái-hòa
thịnh-trị của đất nước.
Hết đoàn cầm cờ, tới đoàn thanh-niên mang những tự-khí gồm đao
kiếm, bát-bảo, lộ-bộ sơn son thếp vàng. Họ xếp thành hàng đôi, bước đi
hùng dũng theo nhịp trống.
Một tiếng trống, hai tiếng trống ! Họ bước đều !
Sau đoàn vác đao kiếm côn chùy là ban âm nhạc.
Có những chàng trai phồng mép thổi sáo, có những nhạc sĩ dẻo tay
đánh đàn, và lại có những chàng chơi sinh tiền hoặc đánh trống bưng. Sinh
tiền là một nhạc khí gồm những đồng tiền cổ, lồng vào một chiếc cán bằng
sắt. Chơi sinh tiền phải biết cách rung chiếc cán để những đồng tiền chạm
vào nhau gây nên những âm thanh hòa nhịp với tiếng đàn, tiếng nhị, tiếng
trống bưng, tiếng sáo.