Từ ngày Tiệp nghỉ học, mối ghẻ lạnh giữa nàng và hai bạn như đã biến
mất, chỉ còn lại tình bạn cũ. Vả lại Tiệp cũng ít có dịp gặp các cô lâu, có gặp
chỉ đủ kịp trao đổi mấy câu chào hỏi, vì Tiệp còn bận việc của Tiệp, các cô
bận việc học của các cô.
Lúc ở chùa từ biệt các bạn sau đám rước, Tiệp nói : « Có lẽ tối nay em
cũng xin phép thầy em để ra đình xem chèo. Các chị có đi cho em gặp nhé ».
Hoài và Thảo cùng đáp : « Chúng em sẽ chờ chị ở sân đình. Tối hôm
nay chắc vui lắm. Chắc các anh Đáp, Khoan và Thúc cũng đi xem ».
Nhắc đến Khoan, Tiệp thấy vui vui, nhưng khi các bạn nói đến Thúc,
nàng hơi khó chịu. Nàng không muốn thấy mặt Thúc, nàng không muốn ai
nhắc đến Thúc trước mặt nàng. Tiệp nói : « Đi xem chèo, mình cốt xem
chèo, còn các anh ấy đi hay không có can hệ gì tới mình ».
Hai cô nhìn Tiệp, hóm-hỉnh cười và đồng-thanh nói : « Có can dự lắm
chứ ! ».
Tiệp không đáp lại.
Tối hôm đó, lúc trống phường chèo bắt đầu rung để mời các cụ và các
quan-viên tới dự khán, thì Tiệp lên xin phép ông đồ để được đi xem. Ông đồ
cũng khăn áo chỉnh-tề để sắp-sửa ra đình, nhìn con hơi suy-nghĩ rồi bảo :
« Ừ, con muốn xem, đi mà xem, nhưng con dắt thằng Mẫn cho nó cùng đi ».
Mẫn là em trai Tiệp, lên chín tuổi. Ông đồ muốn Tiệp dắt Mẫn đi để
nàng bị bận em, không thể đua đàn cùng các bạn trong những truyện có hại.
Ông đồ hiểu lắm, đi xem hội, nhất là đi xem chèo buổi tối là những dịp trai
gái hẹn-hò để gặp-gở nhau.
Ông lại nói : « Chèo tối nay diễn tích Nam-Dương Thành Ngũ-Vân-
Thiệu bị vây, hay và có nghĩa lý đó. Vợ họ Ngữ hy-sinh cho chồng là một
tấm gương sáng cho phụ-nữ muôn đời. Con đi xem phải lắm ».
Tiệp dẫn Mẫn ra đình. Tiếng trống vẫn rung. Sân đình tấp-nập những
người, ồn-ào tiếng cười tiếng nói. Trẻ con xô nhau chạy nhảy, chen lấn vào
gần trước bàn thờ giữ chỗ tốt để xem cho rõ khi chèo khai diễn.