không thấy hay ».
Mẫn nói đúng. Cái tuổi lên chín của Mẫn đã hiểu sao được cái hay của
chèo cổ mà thưởng thức. Khoan bảo : « Không hay nhưng cũng vui ».
Mẫn cười. Mẫn xưa nay rất mến Khoan. Ở lớp chính Khoan vẫn viết
tập cho Mẫn tô và giảng bài cho Mẫn học.
Tiệp hỏi Khoan : « Anh trưởng tràng ra đây từ bao giờ ? Từ tối tôi
không gặp ? »
- Tôi ra từ lúc ban chèo rung trống. Tôi cũng để ý nhưng không thấy cô,
chỉ thấy cô Hoài, cô Thảo và anh Thúc.
Tiệp mân-mê tà áo. Nàng không biết nói gì với Khoan tuy nàng muốn
nói với Khoan nhiều lắm. Khoan cũng vậy, chàng cũng muốn nói với Tiệp
rất nhiều, nhưng cũng chẳng biết nói gì. Hai người nhìn nhau giây lâu rồi
Tiệp bảo : « Trời về đêm lạnh anh trưởng tràng nhỉ ».
- Vâng, trời hơi lạnh. Chúng ta xem chèo, có hơi người sẽ hết lạnh.
Thấy nói lại vào xem chèo. Mẫn không chịu. Nó nói : « Em không vào
đâu, chị Tiệp cho em về ».
Tiệp bảo : « Đi xem hội mà đòi về ! Có ăn quýt chị mua cho ».
Tiệp chạy lại hàng quà mua cho em mấy quả quýt. Có quýt ăn, Mẫn
không đòi về nữa.
Tiệp và Khoan vẫn đứng bên nhau, nhưng không ai biết nói gì với ai.
Tuy đôi người cũng một ý, nhưng họ chưa hề bao giờ dám thổ-lộ với nhau.
Mối tình câm thắm-thiết trong lễ-giáo khiến hai người càng kính-ái nhau.
Khoan hỏi vẫn-vơ : « Cô sắp về chưa hay còn xem chèo ? »
Tiệp đáp lững-lờ : « Xem chèo đông lắm, chen vào bây giờ sao được.
Em cũng chưa muốn về ».
Họ lại im lặng.
Giữa lúc ấy, Thúc ở trong đình đi ra. Thấy Khoan và Tiệp đứng nói
chuyện với nhau, Thúc nổi ghen. Thúc giận Tiệp đã từ hôn mình, đã không