Tiệp cũng muốn đi nghe hát trống-quân, vì tâm lý các cô gái mới lớn,
cô nào chẳng muốn tới những nơi đông vui ấy, nhưng nhà ông đồ có khách,
Tiệp phải ở nhà hầu-hạ cha. Hơn nữa, tuy là tục-lệ dân làng, nhưng ông đồ
cũng không muốn Tiệp a-dua đàn-đúm quá với chúng bạn, e có thể xảy ra
những điều đáng tiếc. Cho Tiệp đi xem chèo, ông đồ cũng đã ngần-ngại rồi,
nhưng vì chẳng lẽ hội làng, ông lại ngăn cấm con, ra mình quá nghiệt.
Khách của ông đồ là ông Khóa Hữu, bạn học ngày để chỏm của ông đồ.
Ông đỗ Khóa-Sinh và làm ăn ở tỉnh xa, nay nhân quê nhà mở hội, ông Khóa
về thăm nhà và nhân thể gặp các bạn cũ.
Ông Khóa Hữu là bác họ của Khoan. Thấy Khoan hiện là trưởng tràng
của ông đồ Ngư, ông Khóa cũng mừng. Như vậy chứng tỏ Khoan học-hành
khá và tính nết cũng dễ ưa nên mới được thày yêu bạn mến, mới xứng đáng
làm trưởng tràng. Nói chuyện với bố mẹ Khoan, ông Khóa có bàn tới việc
lập gia-đình của Khoan, Điều đó bố mẹ Khoan muốn lắm, nhưng vì gia cảnh
không được sung-túc, nên việc hôn-nhân của con cũng chậm lại. Ông Khóa
ngỏ ý là ông sẽ tính giúp.
Gặp ông đồ Ngư ở đình, ông Khóa được ông đồ mời tới uống rượu
thưởng trăng đêm hôm rằm tháng tám. Lâu ngày không gặp nhau, ông đồ
cũng như ông Khóa đều muốn nhân tiệc rượu thưởng trăng ôn lại truyện cũ,
ngâm lại những bài thơ xưa, bàn về văn-chương kinh-sách. Hai ông vẫn là
đôi bạn tương-đắc tự thủa nào.
Vì bận tiếp ông Khóa Hữu, nên ông đồ không dự bữa tiệc thưởng trăng
của làng dành riêng cho các bô-lão, chức-sắc, quan-viên và nhân-viên trong
ban tư văn. Dự bữa tiệc thưởng trăng của dân làng tại đình là một điều hãnh-
diện đối với thôn xã. Dự tiệc tại đình làng tuy vinh dự nhưng đâu có thú
bằng được đối-ẩm với một người tri kỷ, một bạn tâm giao từ ngày để chỏm.
Vì lâu ngày mới gặp nhau, nên câu chuyện giữa hai bạn già rất nồng
nàn. Và ông đồ Ngư cũng thết bạn một bữa tiệc thật là đặc-biệt không phải
vì cao-lương mỹ-vị, nhưng vì tính cách cầu-kỳ, và thích hợp với đêm trăng.