Ngày xưa, học-trò đối với thày ân tình rất trọng, không bao giờ họ quên
ngày tư ngày Tết của thày. Giàu nghèo họ cũng cố lo có chút ít đồ lễ mang
biếu thày vào những dịp tháng năm ngày Tết. Một mình lo không xong, họ
chung nhau rủ bạn-bè. Thày dạy học mở trường ngày xưa không lấy tiền
học, hàng năm thường chỉ trông vào những đồ biếu sén. Khi còn đi học, học-
trò tết biếu thày đã đành, ngay khi thôi học rồi, các học-trò cũng vẫn nhớ ơn
thày.
Cha mẹ có công sinh-dưỡng, tác-thành cho mình nên người, ấy chính là
công của thày.
Vợ chồng Thúc cũng mang biếu ông đồ gạo nếp và chim ngói như khi
còn đi học.
Ông đồ nhận đồ lễ rồi bảo Thúc : « Thày cảm ơn anh. Thày mong anh
không giận thày về việc em Tiệp. Chẳng qua cũng là duyên-số. Bây giờ anh
lấy con gái ông bà Phong, thày thấy thật là đẹp đôi. Thày mong anh chị loan
phụng hòa-minh, bách-niên giai-lão, con đàn cháu đông ».
Thúc chỉ biết vâng dạ. Sự thật, tuy cưới Thảo, nhưng lòng Thúc vẫn
mang mang muốn yêu Tiệp.
Thúc vẫn oán ông đồ về chuyện không gả Tiệp cho chàng. Lẽ ra dịp
cơm mới này, Thúc đã thôi học, Thúc không muốn trở lại nhà ông đồ nữa,
phần vì ngượng-ngùng sợ gặp Tiệp, phần vì nỗi oán-hận của chàng chưa
nguôi, nhưng chàng bị ông bà Chánh-Tổng bó buộc phải mang biếu ông đồ
gạo và chim.
Ông Chánh-Tổng, tuy hơi không bằng lòng ông đồ ở chỗ không hỏi
được Tiệp cho Thúc, nhưng ông lại không muốn bị ai chê cười là không hiểu
lễ-nghĩa, nên trong dịp cơm mới ông bắt Thúc phải cư-xử đúng đạo thầy trò.
Thúng gạo nếp, vài chục chim ngói đối với nhà ông có nghĩa-lý gì,
nhưng tiếng-tăm bề-thế của ông, đó mới là quan-trọng.
Trước khi Thúc ra về, ông Đồ lại bảo : « Thày gửi nhời về cám ơn ông
bà Chánh-Tổng nhé ! Năm nay được mùa, chắc đằng nhà gặt hái được bội
thóc lúa đấy nhỉ ».