Cửa mở ra, trông ông đồ gầy đét, da bọc xương, nước da đen sạm,
không còn sinh khí.
Ông thấy bà đồ nước mắt ràn-rụa đứng ngay sát bên giường nhìn ông.
Ông lắc đầu thương hại vợ. Ông lại đưa mắt nhìn các con, các con đều có
ngấn lệ trên má.
Ông bảo bà đồ : « Làm gì bà phải khóc. Sống chết có mệnh, sinh ký tử
quy có ai mà sống mãi được đâu. Bà nên giữ-gìn sức-khỏe kẻo lại đau ốm
thì khốn. Và các con nữa, cũng đừng khóc làm chi. Thày biết các con
thương thày, nhưng trước số-mệnh các con có khóc cũng chẳng ích gì. Hôm
nay thày tỉnh táo, có mặt đủ các con đây và mẹ các con, thày sung-sướng,
thày chết đi, các con hãy nhớ lấy những lời thày đã dặn. Hôm nay thày
muốn bảo thêm các con phải ăn ở với xóm giềng làng nước cho đứng-đắn,
có nhân-nghĩa có thủy-chung đừng để cho ai chê cười. Còn anh Khoan, anh
nhớ trông nom em Mẫn cho thày, và anh nên giữ lấy lớp học của thày ».
Rồi ông tự đặt lấy tên hèm là Thái Thụy : « Tên hèm còn gọi là tên thụy
hoặc tên cúng cơm, tức là tên người ta đặt cho người chết, hoặc người sắp
chết tự đặt lấy. Trong trường hợp hấp-hối người chết không còn tỉnh-táo
hoặc không còn đủ sức để nói rõ ý muốn của mình thì người nhà đặt cho
một tên hèm và nói cho người hấp-hối hay. Tên hèm này sẽ được khấn tới
trong tang lễ cũng như trong những ngày giỗ ngày Tết hàng năm ».
Đặt xong tên hèm cho mình, ông đồ nói với bà đồ : « Việc ma chay của
tôi bà liệu tùng-tiệm cho đỡ tốn. Nếu các môn sinh muốn, họ sẽ góp nhau
làm ma, còn nếu không bà đừng nên xa-xỉ. Để tiền cho các con. Con chim
sắp chết kêu lên tiếng đau thương, con người sắp chết bao giờ cũng nói lời
nói phải. Những điều tôi nói, bà và các con phải nghe ».
Bà đồ mắt vẫn ràn-rụa lệ rơi nhìn chồng gật đầu và lũ các con cũng đều
vâng dạ trước mọi lời trăng-trối của ông đồ.
Bỗng ông đồ bảo : « Thôi bà ở lại tôi đi ! Các con ở lại thày đi. Ông lim
dim nhắm đôi mắt yếu ớt lại. Bà đồ và Tiệp òa khóc ra tiếng ».