nhà gọi hồn vía người chết, hồn vía có thể nhập vào chiếc áo để trở lại vào
thân xác.
Người nhà leo xuống, mang chiếc áo dài vào, nhưng hồn vía ông đồ
vẫn không trở lại xác. Ông đồ đã chết hẳn.
Bà đồ gào thét gọi tên ông, Tiệp và vợ Vinh cũng khóc-lóc gọi cha.
Xưa nay, người ta vẫn tin người chết có khi sống lại, nếu người nhà, nhất là
vợ con khóc lóc kêu gào. Tình thương vợ nhớ con đã khiến cho người chết
không thể dứt tình đi hẳn.
Trong những trường hợp người chết bất-đắc-kỳ-tử, chết sông, chết đò,
chết đạn lạc, tên bay, khi có cha mẹ anh em hoặc con cháu tới nhận xác
thường trào máu ra miệng. Linh cảm thiêng-liêng giữa tình máu-mủ ruột thịt
đã khiến có sự trào máu đó.
Bà đồ khóc, vợ Vinh kêu gào, Tiệp vừa lạy xác ông đồ vừa gọi, người
nhà đứng quanh đều rơm-rớm lệ, nhưng ông đồ vẫn không hồi lại.
Vinh bảo mẹ : « Thôi, đẻ đừng khóc-lóc quá nữa ! Thày con đi hẳn
rồi ».
Ông đồ đi thật. Số mệnh của ông đã đến ngày phải về bên kia thế giới
cùng tổ-tiên.
Bà đồ bảo Khoan : « Thôi thày đã đi hẳn rồi, anh nhớ lời thày dặn về
nói với các cụ bên nhà lo cưới chạy tang trước khi phát phục ».
Cưới chạy tang tức là đám cưới cử hành trước đám tang. Đấy là một
tục-lệ cổ-truyền để cho đôi trai gái có thể kết hôn với nhau, không phải đợi
mãn tang người chết. Trong trường-hợp này, người chết được coi như vẫn
còn sống, và hôn-lễ tuy được cử-hành giản-dị hơn, nhưng đối với người chết
nằm đấy, phải dùng những lễ nghi như đối với người còn sống.
Nghe lời bà đồ, Khoan vội-vã về nhà lo việc cưới chạy tang.
Cưới là một việc vui mừng, nhưng cưới chạy tang, mọi lễ-nghi được
giảm bớt rất nhiều, và do đó sự cưới xin cũng cử-hành rất mau lẹ. Sự kén