Nhà trai, tuy là cưới chạy tang, nhưng vì đám tang về nhà gái, nên có
mời họ hàng thân thuộc tới dự lễ cưới. Trong nhà cũng có vẻ tấp-nập nhộn-
nhịp.
Lúc cô dâu tới nhà chồng, bà mẹ Khoan vội vàng xách ông bình vôi lẩn
sang nhà hàng xóm trong một lát. Hành động này theo đúng cổ-lệ, người vợ
là nội tướng trong gia-đình và bình vôi tượng-trưng cho căn bản của gia-
đình. Khi cô dâu mới tới, bà mẹ chồng lánh mặt đi với bình vôi có ý nghĩa là
nội tướng cũ nhường quyền cho nội tướng mới, vì thường khi có nàng dâu,
bà mẹ chồng giao việc quán-xuyến nhà cửa cho nàng dâu. Trách-nhiệm của
cô dâu thật là nặng-nề, lấy chồng gánh vác giang sơn nhà chồng.
Trong lúc mẹ Khoan lánh mặt đi thì đám rước dâu đi vào trong nhà.
Một chiếc hỏa-lò hông lửa đặt ngay trước cửa ra vào. Tiệp phải bước qua
chiếc hỏa lò đó, để những tà ma ám ảnh nàng sẽ bị đốt trừ hết.
Sau khi lễ gia tiên xong, thân mẫu Khoan cũng đã ở bên hàng xóm trở
về để cùng chồng nhận lễ lạy mừng của Tiệp.
Nhà trai làm cổ mời nhà gái, trong khi cô dâu được đưa đi lễ các nhà
thờ họ.
Tiệp như cái máy làm theo sự điều-khiển của mọi người. Nàng không
nghĩ gì cả. Phải chi lễ cưới được cử-hành trước khi ông đồ thở hơi cuối cùng
có phải tưng-bừng nhộn-nhịp bao nhiêu không. Thôi, âu là tại số !
Ngay buổi chiều hôm đó, Khoan và Tiệp liền trở lại nhà ông đồ để dự
lễ chiêu-hồn phát phục của ông.
Lần này, Khoan và Tiệp đi cạnh nhau. Trước pháp-luật cũng như trước
tôn-giáo, đôi bên đã thành vợ thành chồng.
Vài người làng thấy vợ chồng Khoan đi qua chỉ trỏ bàn-tán : « Cậu
Khoan và cô Tiệp thật đẹp đôi, trông xứng với nhau quá. Ấy thế mà phải
cưới chạy tang cũng đáng tiếc ».
- Cậu Khoan nhà nghèo, cô Tiệp lấy cậu ấy sẽ vất-vả. Biết đâu cưới
chạy tang chẳng biến-đổi nổi số phận của hai người.