Người nhà cho đặt vào áo quan tất cả những đồ dùng thường nhật của
ông đồ : quần áo, sách vở, kính, giày v.v… Ngoài ra, thày pháp lại lấy một
cổ tổ-tôm rắc lên khắp người ông đồ trước khi nắp áo quan đóng lại. Theo
sự tin-tưởng cổ tổ tôm có thể trừ được tà ma.
Áo quan đã đậy nắp. Một bát cơm bông đặt trên nắp áo quan : đấy là
một bát cơm thật đầy, có một quả trứng luộc bóc vỏ để trên. Một thanh que
tre nhỏ, một đầu được vót dua như một bông hoa cắm qua quả trứng thấu tới
bát cơm.
Sau lễ nhập-quan là lễ thành-phục. Nhiều nơi, người ta chiêu-hồn
người chết, làm lễ nhập-quan rồi, nếu có con cháu cần cưới chạy tang, lễ
cưới mới cử hành. Lễ cưới chỉ cần xong trước lễ thành-phục tức là lễ phát
phục, nói nôm là lễ phát tang. Nếu đám cưới không kịp cử hành trước lễ
phát tang, đôi trai gái phải chờ cho đoạn tang mới được lấy nhau.
Bà đồ khóc-lóc kể-lể thảm-thiết, ôm lấy áo quan kêu gào, rồi lăn-lộn
bên cạnh. Các bà con xúm nhau khuyên-giải nhưng nỗi đau đớn của bà phải
đâu mỗi lúc vơi được ngay. Bà vẫn khóc. Mắt bà sưng mọng lên.
Tiệp cũng thương cha. Nàng cũng ôm lấy quan tài. Nàng không kêu
gào nhiều, nhưng nhìn nàng người ta biết nàng đau-đớn.
Từ bé, luôn luôn ở cạnh cha mẹ, nay mất cha, tuy còn mẹ, nhưng nàng
cũng vẫn thấy thiếu-thốn sự trìu-mến nghiêm-khắc, chỉ còn lại sự trìu mến
dịu dàng.
Khoan tìm lời an-ủi, nhưng an-ủi nào làm nguôi cho ngay được nỗi đau
tử biệt.
Vợ Vinh cũng khóc, nhưng khóc rất lớn và kể-lể rất dài. Nàng tuy có
thương cha chồng, nhưng đau-đớn sao bằng bà đồ và Tiệp. Nàng phải khóc
theo tục-lệ tang-chế của Việt-Nam, nhưng vì không thấy thấm thía sự xót
thương, cho nên trong tiếng khóc, nàng phải lấy lời kể-lể thay vào sự bi ai
buồn thảm.
Họa cùng tiếng khóc của mấy mẹ con bà đồ, có những tiếng khóc và lời
than của các chị em ông đồ bà đồ, của bà cô bà thím họ hàng xa gần và của